Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong năm nay

Để đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức cuộc họp kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Cuộc họp do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì.

Theo Quyết định 1962, có 6 tổ công tác được thành lập nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh là Tổ trưởng Tổ Công tác Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng, đạt 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực tình hình giải ngân của đơn vị đến thời điểm hiện nay.

Bên cạnh những đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đạt được những kết quả cụ thể như Văn phòng Chính phủ (100%); Bộ Công an (trên 70%); Bộ Tư pháp (65%) còn có những đơn vị chưa có tiến triển trong giải ngân năm 2021 như: Ủy ban Dân tộc (0%); Bộ Nội vụ (trên 6%).

[Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong tháng cuối năm]

Nêu lý do dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, đại diện các bộ, ngành cho rằng, nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giãn cách xã hội trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhất là sắt thép, xi măng, cát, sỏi… tác động trực tiếp đến chi phí doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án. Một nguyên nhân nữa là thủ tục, quy trình thực hiện các dự án còn chưa được rút ngắn, dẫn đến kéo dài thời gian, gây lãng phí nguồn vốn.

Nhà thầu thi công một đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cùng với đó, nguyên nhân chủ quan được các đại diện bộ, ngành đề cập tới, đó là công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu trách nhiệm …; công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém nên vướng mắc khi triển khai; phân bổ nguồn vốn thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, không phù hợp với năng lực giải ngân, thủ tục thanh quyết toán vốn còn bất cập…

Bên cạnh đó, các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, đấu thầu.

Kiến nghị về việc giảm thời gian triển khai các thủ tục chuẩn bị dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng từ giai đoạn đầu là chủ trương đầu tư cho đến dự án chính thức khởi công có rất nhiều thủ tục, trong đó có nhiều thủ tục cần thời gian dài; điển hình như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)-một điều kiện bắt buộc để lập dự án, cần từ 3 đến 6 tháng để hoàn thiện.

Dự án được phân bổ vốn năm 2021, bắt đầu khởi động thông báo vốn từ tháng 12/2020, nhưng phải cần ít nhất một năm mới giải ngân được nguồn vốn.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng nguồn vốn năm 2021 là nguồn vốn kéo dài của kỳ vốn trung hạn 2016-2020 và mở đầu kỳ trung hạn 2021-2025. Đặc thù này lý giải phần nào tiến độ giải ngân năm 2021 chậm.

Tại thời điểm này, giải ngân đầu tư công năm nay không thể bằng năm 2020 vì tính chất vốn kéo dài như trên. Năm 2020, tỷ lệ giải ngân rất tốt bởi lẽ nguồn vốn được chuẩn bị và triển khai thực hiện từ các năm 2018, 2019, đến năm 2020 là thực hiện giải ngân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đưa một số kiến nghị cho quy trình giải ngân vốn trong giai đoạn tới theo hướng có một nguyên tắc kéo dài vốn năm 2021.

Công trình sử dụng vốn đầu tư công - Đường ven biển Rạch Giá-Hòn Đất trên địa bàn huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đang giai đoạn thi công. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Thứ trưởng, nhiều dự án bị đình, hoãn lại trong 6 tháng do dịch COVID-19; do đó cần thiết phải có thêm hạn mức kéo dài 6 tháng cho nguồn vốn đầu tư công của năm 2021.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đạt mức giải ngân cao nhất trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời bảo đảm hiệu quả các dự án đầu tư công.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; khẩn trương rà soát nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án.

Cùng với đó, khâu chuẩn bị hồ sơ dự án cần được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng nhằm giảm bớt thời gian triển khai thủ tục. Quy trình giải ngân cần được thực hiện theo tinh thần đẩy nhanh nhưng không vì thế mà không có tính hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục