Ra mắt búp bê Barbie mô phỏng người sáng chế ra vaccine COVID-19

Phiên bản búp bê Barbie được tạo hình giống với nhà khoa học Sarah Gilbert, nhằm tôn vinh người đồng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 của hãng Oxford/AstraZeneca này.
(Nguồn: Mattel Inc.)

Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em hàng đầu thế giới Mattel cho biết đã cho ra đời phiên bản búp bê Barbie được tạo hình giống với nhà khoa học Sarah Gilbert, nhằm tôn vinh người đồng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 của hãng Oxford/AstraZeneca này.

Quan chức cấp cao của Mattel cho rằng công ty đã nhận thấy vai trò quan trọng và sự hy sinh của nhân viên tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Để lan tỏa những nỗ lực của họ, Mattel đã tận dụng dòng búp bê Barbie vốn làm nên tên tuổi của hãng trong nhiều thập kỷ qua để chia sẻ những câu chuyện của họ, đồng thời “truyền cảm hứng” cho thế hệ tiếp theo.

[Búp bê Barbie lần đầu tiên được "nhân hóa" trên màn ảnh]

Về phần mình, nhà khoa học Sarah Gilbert bày tỏ hy vọng mẫu búp bê Barbie này sẽ khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ em và giúp thế hệ mầm non nhận thức được tầm quan trọng của khoa học đối với thế giới xung quanh.

Bà cũng mong muốn mẫu đồ chơi này sẽ giúp trẻ em hiểu thêm về những ngành nghề mà có thể chúng chưa biết đến như nghiên cứu vaccine.

Trước đó, Mattel cũng đã sản xuất các phiên bản búp bê Barbie khác nhằm vinh danh năm phụ nữ thành công trong lĩnh vực y học, gồm y tá phòng cấp cứu Amy O'Sullivan, người đã điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại bệnh viện Wycoff ở Brooklyn ở New York, Mỹ; Tiến sỹ Audrey Cruz, nhân viên tuyến đầu, người đã đấu tranh chống phân biệt chủng tộc cùng với các nhân viên chăm sóc sức khỏe người Mỹ gốc Á khác; Tiến sỹ Chika Stacy Oriuwa, bác sĩ tâm thần người Canada đã chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; Tiến sỹ Jaqueline Goes de Jesus, nhà nghiên cứu y sinh người Brazil, đi đầu trong việc giải trình tự gene của một biến thể virus SARS-CoV-2 tại Brazil; và Tiến sỹ Kirby White, người phát triển áo choàng phẫu thuật có thể tái sử dụng trong đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục