Reuters: Nhật Bản muốn làm “tan băng” quan hệ với Trung Quốc

Reuters đưa tin Thủ tướng Abe hy vọng hai bên có thể thúc đẩy việc nối lại tình hữu nghị, giữa lúc Bắc Kinh đang vướng vào cuộc chiến thương mại leo thang với Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Kyodo)

Reuters đưa tin trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như phát động “Chiến tranh Lạnh” thương mại nhằm vào Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thúc đẩy việc “làm tan băng” mối quan hệ với Bắc Kinh tại cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra trong tháng này.

Trước đây, chính quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc giúp ông Abe lên nắm quyền năm 2012, khi hai nước tranh cãi liên quan tới tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông.

Nhưng giờ đây, Thủ tướng Abe hy vọng hai bên có thể thúc đẩy việc nối lại tình hữu nghị, giữa lúc Bắc Kinh đang vướng vào cuộc chiến thương mại leo thang với Washington.

Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng: “Để Nhật Bản duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, nước này không thể bỏ qua quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới."

Thủ tướng Abe đã nhiều lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ cuộc đối thoại “nguội lạnh” lần đầu tiên năm 2014 bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo châu Á ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

[Thủ tướng Nhật Bản chuẩn bị thăm Trung Quốc vào cuối tháng 10]

Cuộc gặp được xác nhận chính thức vào ngày 26/10 tới giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh toàn diện Nhật-Trung lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn chứng kiến quan hệ song phương được bình thường hóa, để họ có thể cạnh tranh với các đối thủ Mỹ và châu Âu.

Về phần mình, phía Trung Quốc hy vọng Thủ tướng Abe sẽ đưa ra tuyên bố ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Wang Yiwei, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận xét: “Chúng tôi thực sự hy vọng, trong vấn đề này Nhật Bản không mang quan điểm cạnh tranh hằn học với Trung Quốc, mà nên cạnh tranh tích cực hoặc thậm chí hợp tác.”

Theo các chuyên gia và quan chức Trung Quốc, việc Nhật Bản tham gia vào sáng kiến này có thể giúp cải thiện hình ảnh của sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như làm dịu đi mối lo ngại của các quốc gia mắc nợ.

Tuy vậy, giới chức quốc phòng Nhật Bản lo ngại ảnh hưởng quân sự của sáng kiến này, và Tokyo hiện đang theo đuổi Chiến lược Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhằm thúc đẩy thương mại tự do và cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Nhật Bản cũng muốn đảm bảo các dự án chung với Trung Quốc minh bạch, cởi mở, khả thi về mặt kinh tế và hợp lý về mặt tài chính cho các quốc gia mang nợ.

Một quan chức thương mại Nhật Bản nhấn mạnh: "Đây không phải hành động ủng hộ Vành đai và Con đường. Chúng tôi sẽ không nới lỏng các tiêu chuẩn toàn cầu."

Ngoài ra, việc Mỹ hối thúc Nhật Bản cùng nỗ lực để cô lập Trung Quốc sẽ đẩy Tokyo vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, mặc dù nhiều quan chức cho biết, Thủ tướng Abe có thể nói với Tổng thống Trump rằng, Nhật Bản đang có cách tiếp cận khác để đạt được cùng mục đích- thuyết phục Trung Quốc chơi theo quy tắc toàn cầu.

Tuy nhiên, sức ép này của Mỹ có thể nhận được sự ủng hộ từ nhiều người Nhật Bản. Nhiều chính trị gia theo đường lối bảo thủ và nhiều người dân Nhật Bản vô cùng lo ngại về Trung Quốc.

Kết quả một cuộc khảo sát được công bố ngày 11/10 cho thấy 86% người Nhật Bản có “suy nghĩ xấu” về Trung Quốc.

Ông Kiyoyuki Seguchi, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, nhận định: “Có một số người ở Nhật Bản cho rằng quan hệ an ninh với Mỹ đang được đặt ưu tiên so với các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, nếu ai đó hỏi liệu phát triển kinh tế có khả thi không nếu không có sự hợp tác với Trung Quốc, câu trả lời là ‘Không’”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục