Robot hỗ trợ thành công ghép phổi không cần cắt xương sườn

Với sự hỗ trợ của robot 4 tay có tên “Da Vinci,” các bác sỹ ở Tây Ban Nha đã thực hiện rạch 1 phần nhỏ da, mỡ và cơ của bệnh nhân để lấy lá phổi tổn thương ra ngoài, sau đó đưa vào cơ thể lá phổi mới.
Phương pháp phẫu thuật bằng robot giúp giảm đau đớn cho bệnh nhân và vết thương chóng lành hơn. (Nguồn: Reuters)

Các bác sỹ Bệnh viện Vall d'Hebron tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha vừa tiến hành ca ghép phổi bằng kỹ thuật mới, sử dụng robot phẫu thuật, cũng như thực hiện đường mở mới mà không cần cắt xương sườn.

Trong ca phẫu thuật này, với sự hỗ trợ của robot 4 tay có tên “Da Vinci,” các bác sỹ đã thực hiện rạch một phần nhỏ da, mỡ và cơ của bệnh nhân để lấy lá phổi tổn thương ra ngoài, sau đó đưa vào cơ thể lá phổi mới.

Điều đặc biệt vết rạch này chỉ dài khoảng 8cm, phía dưới xương ức, ngay trên cơ hoành, nhỏ hơn nhiều so với các vết rạch dài tới khoảng 30cm trong các kỹ thuật trước đây.

Đây là lần đầu tiên các bác sỹ phẫu thuật giới hạn đường mở để ghép phổi chỉ trên phạm vi mô mềm. Do đó, phương pháp này giúp giảm đau đớn cho bệnh nhân và vết thương chóng lành hơn.

[Nhật Bản thử nghiệm sử dụng công nghệ mạng 5G cho robot phẫu thuật]

Phát biểu với báo giới ngày 17/4, Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực và ghép phổi của Bệnh viện Vall d'Hebron, bác sỹ Albert Jauregui, nhấn mạnh kỹ thuật này có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm thời gian phục hồi sau phẫu thuật cũng như giảm đau đớn. Ông hy vọng kỹ thuật này sẽ sớm được sử dụng rộng rãi.

Theo bác sỹ Jauregui, để đưa lá phổi mới vào cơ thể qua một vết rạch nhỏ, các chuyên gia đã phải "làm xẹp" bộ phần này. Vết rạch được thực hiện trên phần cơ thể có lợi thế là làn da có khả năng đàn hồi cao, qua đó cho phép mở rộng vết mở mà không cần cắt xương.

Tuy nhiên, ngoài vết rạch chính, các bác sỹ phẫu thuật cũng phải rạch các vết nhỏ hơn ở bên cạnh xương sườn để lắp cánh tay robot và camera 3D.

Bác sỹ Jauregui cho biết với kỹ thuật này, các bác sĩ có thể cấy ghép 2 lá phổi trên cùng 1 vết rạch.

Kỹ thuật trên được thực hiện trên bệnh nhân là nam giới, 65 tuổi, phải ghép phổi vì chứng xơ phổi.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cho biết ông không hề thấy đau đớn. Vì vết mổ nhỏ nên bệnh nhân chỉ cần dùng paracetamol trong khi các ca ghép phổi thông thường đòi hỏi kê đơn thuốc giảm đau opioid sau phẫu thuật.

Tây Ban Nha là nước đi đầu thế giới về cấy ghép nội tạng. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, trong năm 2022, trung bình mỗi ngày có 7 người hiến tạng và các bác sỹ thực hiện 15 ca ghép tạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục