Chiều 17/2, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán STB) đã lên tiếng phản hồi sau văn bản của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại ngân hàng này.
Cụ thể, Sacombank khẳng định từ năm 2016 đến nay, tính cả thời điểm ngân hàng hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400.000.000 cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Sacombank do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.
Đến ngày 10/2/2023, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu của Sacombank đã tăng lên 30%. Tuy nhiên, Sacombank không nhận được bất kỳ văn bản nào từ VSD về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu. Do đó, Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định thực hiện việc này.
Là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán và chào bán cổ phiếu ra công chúng, Sacombank nhấn mạnh rằng các hoạt động quản lý, công bố thông tin đều được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản theo đúng quy định pháp luật và duy trì liên tục trong 31 năm qua.
Việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng, đến Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của Sacombank, làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời.
Do đó, Sacombank đã có văn bản số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14/2/2023 yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường trên, giải thích thỏa đáng với cơ quan truyền thông, có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài.
[Sacombank phát hành 3.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, lãi suất 7,33%]
"Văn bản số 06/2023/CV-HĐQT liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại Sacombank hoàn toàn không phải là sự hiểu lầm thông tin," Sacombank nhấn mạnh.
Về phần mình, Sacombank sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Sacombank đối với vấn đề này.
Sacombank đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu. Đến hết quý 4/2022, lợi nhuận chưa phân phối của Sacombank đạt 13.972 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Thu hồi và xử lý được gần 87.900 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 70.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu, đạt gần 82% kế hoạch tổng thể.
Với những kết quả trên, Sacombank lạc quan đã trở lại vị thế của mình và là cơ hội đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng cũng sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động.
"Do đó, thông tin không rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vừa qua sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư," đại diện Sacombank chia sẻ.
Sacombank đề nghị VSD thay vì đưa ra lý do kỹ thuật như hiện nay, cần có văn bản giải thích thỏa đáng và hướng xử lý minh bạch, cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết việc room ngoại là 23,64% hay 30% có tác động khá lớn đến ngân hàng. Bởi nếu là 23,64%, Sacombank sẽ có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để làm cổ đông chiến lược. Còn nếu VSD đã "nới" lên 30%, bán cổ phiếu STB cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cơ hội này không còn nữa.
Trước đó, ngày 10/2, VSD công bố khối lượng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank là 565 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ 29,99%.
Sau công bố trên, Sacombank có văn bản số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14/2/2023 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nước ngoài (room ngoại).
Trong văn bản nêu rõ từ thời điểm 19/9/2016 khi VSD ra thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB là 23,64%, ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Vì vậy, Sacombank đề nghị các đơn vị trên kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nước ngoài theo đúng thông báo ngày 19/9/2016 là 23,63468%.
Tuy nhiên đến ngày 16/2, VSD lại ra văn bản khẳng định mức room ngoại 30% tại Sacombank là đúng. Đồng thời, liên quan đến con số tỷ lệ 23,64%, VSD lý giải do trong thời gian 400.000.000 cổ phiếu STB đã đăng ký nhưng chưa được niêm yết bổ sung, VSD phải phối hợp với HOSE để tính toán số liệu sở hữu nước ngoài dựa trên 1.485.215.716 cổ phiếu đã niêm yết để phản ánh chính xác tỷ lệ room ngoại trên hệ thống của HOSE.
Điều này nhằm đảm bảo khi niêm yết bổ sung 400.000.000 cổ phiếu STB thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại STB không vượt quá 30% theo quy định pháp luật.
Cập nhật đến ngày 17/2, VSD thông tin tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại STB hiện là 29,84%, gần chạm mức trần quy định.
Cổ phiếu STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá Sacombank có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1 tại Việt Nam. Cổ phiếu STB khi ấy có thể sẽ được định giá lại với mức cao hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/2, cổ phiếu STB có giá 24.400 đồng/cổ phiếu./.