Liên quan đến việc hỗ trợ địa phương giải pháp vận chuyển thay thế phù hợp trong thời gian đóng cửa 9 tháng (từ tháng 4-12/2023) chờ nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông Vận tải thông tin hiện nay có 2 phương thức vận tải giúp kết nối từ đất liền tới huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) là đường biển và hàng không.
Đánh giá trong thời gian bắt buộc phải đóng cửa sân bay Côn Đảo để triển khai các dự án đầu tư xây dựng sẽ ảnh hưởng phần nào tới nhu cầu vận tải của người dân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc nghiên cứu, tăng cường các phương tiện vận tải bằng đường biển, các chuyến bay trực thăng để khắc phục trong thời gian này là rất cần thiết.
Cụ thể, hiện nay có 4 tuyến vận tải hành khách từ bờ ra Côn Đảo thuộc 3 doanh nghiệp đăng ký vận tải tuyến cố định đã được chấp thuận gồm tuyến Vũng Tàu-Côn Đảo; Trần Đề (Sóc Trăng)-Côn Đảo và Cần Thơ-Côn Đảo. Riêng tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Côn Đảo đã được công bố nhưng chưa có đơn vị được cấp phép vận tải hành khách cố định.
Tại huyện Côn Đảo, chỉ có duy nhất một cảng cá Bến Đầm tiếp nhận tàu khách cho 4 tuyến vận tải thủy từ bờ ra hòn đảo này.
Trong năm 2022, nhu cầu đi lại của người dân (bao gồm cả người dân sinh sống trên đảo và khách du lịch) rất lớn. Tuy nhiên, huyện Côn Đảo hiện nay vẫn đang hạn chế tiếp nhận tàu khách ra (2 chuyến trong ngày) nên hầu hết các chuyến tàu đều kín chỗ, dẫn đến tình trạng khan hiếm vé trong các ngày cuối tuần và các ngày lễ.
Trong giai đoạn đóng cửa sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách để bảo đảm an toàn trong hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển tới đảo.
Bộ này cũng đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo phối hợp, tăng cường tiếp nhận tàu khách ra đảo để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của người dân và khách du lịch.
[Đề nghị tăng cường tiếp nhận tàu khách ra Côn Đảo do đi lại cao]
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay các chuyến bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo đang được khai thác bởi Công ty Trực thăng miền Nam thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (phiên hiệu quân sự Binh đoàn 18).
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 18 nghiên cứu phương án khai thác các chuyến bay trực thăng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ xây dựng phương án tổ chức quản lý thực hiện các dự án bảo đảm hạn chế tối đa thời gian tạm ngừng khai thác sân bay Côn Đảo, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương, sớm đưa vào khai thác, ổn định hoạt động vận tải đi/đến huyện Côn Đảo.
Hiện tại, có 2 hãng hàng không nội địa khai thác các chuyến bay từ đất liền ra Côn Đảo là Vietnam Airlines bằng tàu bay ATR72 và Bamboo Airways sử dụng dòng máy bay phản lực thế hệ mới Embraer 195. Trong tháng 8/2022, tần suất bay của Vietnam Airlines từ 12-14 chuyến/ngày, Bamboo khai thác khoảng từ 4-7 chuyến/ngày.
Sân bay Côn Đảo nhiều năm qua đã phải đối mặt với tình trạng quá tải do nhu cầu của khách du lịch ra đảo lớn, nhưng hạ tầng sân bay hạn chế. Sân bay có đường băng ngắn, bị giới hạn 2 đầu là biển, 2 mặt còn lại có núi cao.
Để khai thác được các dòng máy bay phản lực cỡ lớn tại Côn Đảo, giải pháp lâu dài được cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra là nâng cấp, mở rộng chiều dài đường băng và lấn ra biển 120m./.
Theo quy hoạch, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm (gấp 5 lần hiện nay), có 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới); đường băng kéo dài thêm 15m và mở rộng thêm 5m so với hiện nay, đáp ứng khả năng khai thác máy bay Airbus A320/321 và tương đương; bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm. Tổng mức đầu tư dự án trên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, một phần sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (đường băng, đường lăn, sân đỗ), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay). |