Thời gian gần đây, việc ứng dụng ChatGPT và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo nội dung báo chí được nhắc đến ngày càng nhiều và những hệ lụy khi lạm dụng AI cũng đã được đề cập như vi phạm bản quyền, thông tin sai lệch…
Đối với những người làm báo, sự phát triển của công nghệ hiện đại là xu thế không thể đảo ngược, vấn đề là phải ứng dụng ra sao để tăng hiệu quả trong việc sản xuất thông tin mà vẫn không bước qua “vạch đỏ” của đạo đức báo chí.
Ngày 18/3, tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, các chuyên gia đã thảo luận, tìm giải pháp cho những vấn đề nói trên.
AI giống như con dao hai lưỡi
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng báo chí là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế-xã hội nên cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, AI giống như "con dao hai lưỡi," đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
[ChatGPT Plus mở cho người dùng Việt nhưng chưa chấp nhận thanh toán]
Về mặt ưu điểm, có thể khiến các tòa soạn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm thay đổi cả mô hình kinh doanh đã tồn tại nhiều thập kỷ trong lĩnh vực quảng cáo điện tử.
Cụ thể, ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng. Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Bên cạnh đó, ChatGPT có thể gợi ý cách đặt tít bài báo sao cho hấp dẫn, thu hút, nhận được sự tương tác cao. Tương tự, trong số 10-15 hình ảnh, phóng viên có thể “nhờ” ChatGPT chọn ra bức ảnh bắt mắt, phù hợp hơn để sử dụng.
Song bên cạnh cơ hội, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp.
Tại hội thảo, nhà báo Ngô Trần Thịnh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thông tin về kết quả thử nghiệm ChatGPT trong sáng tạo nội dung. Ông cũng nêu ra ưu điểm nổi bật là trí tuệ nhân tạo có thể xử lý công việc rất nhanh. Tuy nhiên, dù AI chỉ mất 8 phút để sản xuất ra một bài viết 2.000 chữ nhưng biên tập viên lại mất nhiều giờ đồng hồ để biên tập sản phẩm đó.
“Nhược điểm của AI là thiếu yếu tố ‘con người’: Cảm xúc, sự sáng tạo, nghiệp vụ, khả năng dàn dựng. Tôi cho rằng 10 năm nữa AI cũng không thể cải thiện được vấn đề này, máy móc không thể thay thế con người,” ông Ngô Trần Thịnh nêu quan điểm.
Phân tích rõ hơn, ông Ngô Trần Thịnh cho rằng phóng viên là người tiên phong phát hiện thông tin, sau đó tiến hành khai thác thông tin, sản phẩm của phóng viên có tính cách mạng, sự sáng tạo, nghiệp vụ… Trong khi đó, AI chỉ có thể tổng hợp thông tin, nghĩa là luôn đi sau, không tự khai mở vấn đề.
Thích ứng với sự hiện diện của AI
Khi đã nhận diện được ưu nhược điểm của AI, người làm báo và các cơ quan báo chí có thể tìm cách làm chủ công nghệ, để tiết kiệm thời gian cho các khâu cơ bản, dành tâm sức cho sáng tạo đột phá.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng các phần mềm ứng dụng AI có thể trở thành trợ lý ảo cho các nhà báo và cơ quan báo chí trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất nội dung và phân phối nội dung báo chí số.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin. Với cấp độ cao hơn, các toà soạn nên triển khai ứng dụng AI trong một, một vài hoặc toàn bộ quy trình của toà soạn như: ứng dụng trong quản trị nội bộ (ứng dụng trong phần mềm quản lý tác giả, tác phẩm, quản lý đăng ký kế hoạch tin bài phóng viên...); sản xuất nội dung, phân phối, phát hành với các tính năng gợi ý nêu trên.
Với các toà soạn đã ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 3 khu vực: nội dung số-công nghệ số-kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.
Chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chatbot tại tòa soạn, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ sản xuất nội dung, do đó người làm báo phải học cách làm chủ công nghệ.
“Thực tế, nhờ công nghệ mà các phóng viên VietnamPlus có thể dựng các bài megastory, thực hiện các sản phẩm đồ họa một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, chỉ cần thông tin thô là các dữ liệu, AI có thể chọn đồ họa, biểu đồ phù hợp, thay vì phóng viên phải tự dựng thủ công như trước đây,” nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết.
AI có nhiều tính năng vượt trội là điều không phải bàn cãi, song máy móc thì đương nhiên không có độ nhạy cảm chính trị, tính nhân văn, trách nhiệm xã hội. Lạm dụng AI có thể dẫn đến việc vi phạm bản quyền, vi phạm đạo đức báo chí.
Do đó, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng người làm báo đang đứng trước lằn ranh của đạo đức báo chí, cần trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, tranh thủ cơ hội mà AI mang lại nhưng vẫn phải học cách làm chủ công nghệ, để AI là công cụ đắc lực cho mình.
Tại hội thảo, một số đơn vị nêu lên thực tế là các tòa soạn đang gặp khó khăn bởi theo luật thì không được phép đầu tư, mua các sản phẩm ở nước ngoài. Rào cản về pháp lý khiến các tòa soạn phải “đi đường vòng” là tìm mua công nghệ từ một doanh nghiệp trong nước đang sở hữu, khiến cho chi phí đầu tư bị tăng lên.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cơ chế đầu tư cho công nghệ tại các cơ quan báo chí rất cần hành lang pháp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và kiến nghị bổ sung luật về các vấn đề này./.