Sáp nhập-giải pháp tối ưu để cứu các ngân hàng Tây Ban Nha

Xu hướng sáp nhập không phải là mới ở Tây Ban Nha, nơi đã chứng kiến hàng chục ngân hàng “biến mất” sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008; vấn đề hiện nay là thiếu khả năng sinh lời.
CaixaBank và Bankia, hai ngân hàng lớn thứ ba và thứ tư của Tây Ban Nha, đã thông qua việc sáp nhập vào tháng Chín. (Nguồn: cincodias.elpais.com)

Làn sóng sáp nhập đang lan rộng trong lĩnh vực ngân hàng Tây Ban Nha khi các nhà cho vay đối mặt với cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, môi trường lãi suất siêu thấp và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính.

CaixaBank và Bankia, hai ngân hàng lớn thứ ba và thứ tư của Tây Ban Nha, đã thông qua việc sáp nhập vào tháng Chín để tạo ra ngân hàng lớn nhất nước nước này với giá trị tài sản khoảng 664 tỷ euro (788 tỷ USD).

Trong khi đó, BBVA, ngân hàng lớn thứ hai Tây Ban Nha, mới đây thông báo đang đàm phán với Banco Sabadell, ngân hàng lớn thứ năm tại nước này, về một thỏa thuận tương tự.

Nếu thành công, thương vụ sáp nhập sẽ tạo ra ngân hàng nội địa lớn thứ hai Tây Ban Nha. Ở quy mô nhỏ hơn, các ngân hàng tầm trung là Liberbank và Unicaja cũng đã xác nhận về các cuộc đàm phán sáp nhập mới trong tháng Mười.

[S&P hạ bậc tín nhiệm nợ công của Tây Ban Nha xuống mức tiêu cực]

Xu hướng sáp nhập không phải là mới ở Tây Ban Nha, nơi đã chứng kiến hàng chục ngân hàng “biến mất” sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm Madrid phải nhận khoản cứu trợ trị giá 41,3 tỷ euro từ Liên minh châu Âu để cứu ngành ngân hàng.

Chuyên gia Xavier Vives, thuộc trường IESE Business School ở Barcelona (Tây Ban Nha), lý giải rằng xu hướng trên là giải pháp để tránh các vấn đề phát sinh trong tương lai.

Theo chuyên gia này, không giống như trong cuộc khủng hoảng trước đó, khi các ngân hàng phải đối mặt với vấn đề về khả năng thanh toán, vấn đề hiện nay là thiếu khả năng sinh lời.

Ông Vives cho biết với môi trường lãi suất thấp và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các ngân hàng khó có thể kiếm được lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) hoạt động trực tuyến và có chi phí hoạt động thấp hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống.

Ricardo Zion, chuyên gia ngân hàng của trường EAE Business School, cho rằng mức lãi suất âm khiến các ngân hàng rất khó kiếm được tiền.

Song, vấn đề lớn đối với các ngân hàng là không thể có lợi nhuận, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp fintech và các doanh nghiệp mới khác.

Theo ông Zion, vào thời điểm các ngân hàng đang tăng cường trích lập dự phòng để đối phó với sự gia tăng các khoản nợ xấu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động sáp nhập sẽ giúp củng cố khả năng thanh toán của các ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục