Saudi Arabia có bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron nhập cảnh từ Bắc Phi

Cơ quan An toàn bệnh nhân nước này thông báo một người nhiễm biến thể Omicron đã có mặt trong một buổi hòa nhạc lớn với 1.600 người tham dự của DJ Martin Jensen.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1/12, hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia đưa tin nước này đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là người đến từ một nước Bắc Phi.

Trong khi đó, cùng ngày, tại Đan Mạch, Cơ quan An toàn bệnh nhân nước này thông báo một người nhiễm biến thể Omicron đã có mặt trong một buổi hòa nhạc lớn với 1.600 người tham dự của DJ Martin Jensen.

Sự kiện diễn ra ngày 27/11 tại thành phố Aalborg. Hiện cơ quan chức năng chưa xác nhận bệnh nhân nói trên có trở về từ Nam Phi hay không.

Trước đó, Đan Mạch đã xác nhận 4 ca nhiễm biến thể Omicron và tất cả đều đã từng đến Nam Phi trong thời gian gần đây.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/12, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền phân tử của Nga, ông Andrei Isayev nhận định biến thể Omicron có thể đã lây lan trên toàn cầu, trong bối cảnh giới khoa học vẫn chưa rõ cách thức phát hiện chúng thông qua các xét nghiệm PCR hiện nay.

Theo ông, do số lượng đột biến lớn, hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ cách thức chính xác biến thể Omicron hiển thị trên các xét nghiệm PCR và liệu các bác sỹ phòng thí nghiệm có thể phát hiện chúng với hệ thống xét nghiệm hiện có hay không.

[Cơn địa chấn mang tên Omicron và làn sóng dịch COVID-19 mới]

Hiện không thể biết phạm vi thực sự mà Omicron đã xuất hiện trên toàn thế giới vì chỉ một phần rất nhỏ mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene của virus.

Hiện các cơ sở y tế không thể giải trình tự các mẫu phẩm của từng người đến từ các quốc gia châu Phi và với tần suất di chuyển cao, nhiều khả năng biến chủng này đã lây lan ra toàn thế giới.

Trước đó, người đứng đầu cơ quan kiểm soát và bảo vệ người tiêu dùng Nga, bà Anna Popova cho biết tại nước này chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Biến thể Omicron phát hiện đầu tiên tại miền Nam châu Phi và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là có nguy cơ lây lan cao. Lo ngại về một làn sóng đại dịch mới trên quy mô toàn cầu, nhiều nước đã đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, áp dụng lại các biện pháp cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.

Các biện pháp này đã phủ bóng đen lên việc tiến trình phục hồi kinh tế sau hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục