Ngày 17/9, truyền hình nhà nước Saudi Arabia dẫn nguồn quan chức Bộ Y tế nước này cho biết đã có một trường hợp mắc bệnh tả và ba người khác trong diện nghi vấn tại tỉnh giáp biên giới Yemen, quốc gia ghi nhận dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.
Theo báo cáo công bố cuối tuần trước, các bệnh nhân đang được chăm sóc y tế ở Bệnh viện al-Mauwassem tại Jizan, cách thủ đô Riyadh khoảng 1.000km về phía Tây Nam.
[Dịch tả tại Zimbabwe: Số ca tử vong tăng và xuất hiện kháng thuốc]
Vẫn chưa rõ liệu đợt dịch này liên quan tới diễn biến dịch bệnh tại Yemen hay cuộc hành hương của những người Hồi giáo về thánh địa Mecca hồi tháng trước, vốn thu hút khoảng 2 triệu tín đồ Hồi giáo các nước tới Saudi Arabia mỗi năm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Tawfiq al-Rabeeah khẳng định nước này không ghi nhận trường hợp mắc bệnh tả trong tháng hành hương của người Hồi giáo.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) xác nhận Saudi Arabia từng công bố 5 trường hợp mắc bệnh tả trong năm 2017, đều có nguyên nhân xuất phát từ bên ngoài và dịch bệnh sau đó đã được kiểm soát kịp thời, không lây nhiễm thêm.
Với các trường hợp nhiễm mới này, WTO cho rằng dù nguồn lây bệnh chưa được xác định, nhưng các cơ quan chức năng của Saudi Arabia đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát do hệ thống cơ sở hạ tầng y tế tốt, dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh đảm bảo.
Trong giai đoạn ủ bệnh, vi khuẩn tả lây lan qua đường tiêu hóa, gây mất nước và tiêu chảy nghiêm trọng. Bệnh tả có thể khiến nạn nhân tử vong trong thời gian ngắn nếu không được chữa trị kịp thời./.