Tờ Straits Times của Singapore mới đây đăng bài viết của Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, về những vấn đề liên quan đến lộ trình sống chung với dịch COVID-19 tại Singapore.
Vấn đề thời gian
Giữa tháng Bảy vừa qua, Chính phủ Singapore tuyên bố ý định thay đổi chiến lược từ “Không COVID-19” sang chiến dịch mà Bộ Y tế gọi là “bình thường mới” với một số hạn chế được dỡ bỏ trong khi số dân được tiêm chủng vaccine tăng đều đặn.
Hiện nay tại Singapore có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về khả năng Singapore sớm bước vào lộ trình sống chung với dịch COVID-19. Quan điểm thứ nhất là của những người “thở phào nhẹ nhõm.” Họ tin tưởng vào lộ trình triển khai tiêm vaccine của Singapore, với mục tiêu là 4/5 dân số được tiêm đủ liều vào cuối tháng Tám này. Ngoài ra, việc liên tục tái áp đặt các biện pháp hạn chế đã gây ra những khó khăn đáng kể về kinh tế và xã hội cho các cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai mang nhiều quan ngại rằng “liệu đây có phải là thời điểm thích hợp” hay không? Tính đến ngày 10/8, số lượng các ổ dịch đang ở mức cao nhất với 131 ổ dịch, và hàng ngày nước này vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới không rõ nguồn lây. Đã hơn nửa năm kể từ khi Singapore cho phép và khuyến khích người cao tuổi tiêm vaccine COVID-19, nhưng hiện vẫn có hơn 80.000 người già trên 70 tuổi chưa tiêm vaccine. Tất cả trẻ em dưới 12 tuổi ở nước này cũng không đủ điều kiện để được tiêm vaccine.
Đáng lưu ý, Singapore vừa ghi nhận tới 6 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày. Đây là mức cao chưa từng thấy kể cả ở đỉnh điểm của đợt bùng phát năm ngoái. Nhiều khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương đang tái áp đặt các hạn chế để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Liệu Singapore đã thực sự sẵn sàng bước vào lộ trình nới lỏng các biện pháp đảm bảo an toàn theo từng giai đoạn?
Singapore dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển đổi đầu tiên vào tháng Chín tới. Hiện tại, nước này mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị, với việc áp dụng các biện pháp đảm bảo phòng dịch khác nhau, giúp Singapore có thêm thời gian để tiêm vaccine thêm cho nhiều người hơn; đồng thời duy trì năng lực chăm sóc và điều trị những ca bệnh nặng.
Tháng Chín được lựa chọn là thời điểm khả thi để Singapore bắt đầu lộ trình trên, bởi dự kiến khi đó 80% dân số sẽ được tiêm vaccine đầy đủ và kháng thể có thể ngăn chặn nguy cơ bệnh diễn biến nặng nghiêm trọng và tử vong trong trường hợp người đã tiêm vaccine nhiễm COVID-19. Sau đó, các biện pháp hạn chế và phòng ngừa dịch bệnh sẽ dần được dỡ bỏ theo từng giai đoạn, cho phép Singapore tiến hành các điều chỉnh chính sách để hướng tới việc mở cửa nền kinh tế hoàn toàn.
Những đối tượng chưa tiêm vaccine
Mặc dù vẫn chưa có chi tiết về lộ trình nói trên, nhưng một vấn đề cần được quan tâm là những đối tượng chưa được tiêm vaccine. Trẻ em dưới 12 tuổi hiện không đủ điều kiện để tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại Singapore để nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA đối với trẻ em dưới 12 tuổi. Kết quả được kỳ vọng sẽ có trong quý 4 năm nay.
[Singapore nới lỏng hạn chế, tiếp tục duy trì quy định đeo khẩu trang]
Khi có những bằng chứng rõ ràng rằng trẻ em dưới 12 tuổi có thể tiêm vaccine với rất ít nguy cơ, Singapore có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em một cách nhanh chóng và an toàn. Mặc dù trẻ em nhỏ dường như ít bị lây nhiễm hơn người lớn, nhưng vẫn có các nguy cơ lây nhiễm. Khi Singapore bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế thì các ca nhiễm COVID-19 là trẻ em có thể gia tăng. Do đó, cần đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa dịch bệnh cho đối tượng này.
Trong khi đó, 6 trường hợp tử vong gần đây nhất vì COVID-19 đều là những người chưa được tiêm vaccine và 4 trong số đó là những người trên 60 tuổi. Mặc dù Chính phủ đã dành ưu tiên và triển khai những chiến dịch tiêm chủng đặc biệt dành cho người cao tuổi, nhưng tại Singapore vẫn còn khoảng 150.000 người già trên 60 tuổi chưa được tiêm chủng. Khi Singapore bắt đầu bước vào tiến trình sống chung với dịch COVID-19, những người già chưa được tiêm chủng sẽ đối mặt với nguy cơ bệnh diễn biến nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao.
Theo các mô hình dự báo của Giáo sư Hannah Clapham và nhóm nghiên cứu tại Trường y tế công cộng, số ca nhiễm COVID-19 phải sử dụng phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) vào năm 2022 ước tính gần 2.100 người trong độ tuổi trên 60, trong đó khoảng 480 trường hợp có thể tử vong. Phần lớn các ca này là những người chưa được tiêm vaccine. Việc nâng tỷ lệ tiêm chủng ở người già trên 60 tuổi thêm 5 điểm phần trăm có thể làm giảm đáng kể số ca tử vong ở nhóm tuổi này (giảm gần 60%).
Trước những lợi ích của tiêm chủng, Chính phủ Singapore và các chuyên gia y tế công cộng đã khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi chủ động lựa chọn không tiêm vaccine vì “thờ ơ” hoặc có quan điểm cá nhân phản đối tiêm vaccine COVID-19.
Bên cạnh đó, có một nhóm khá lớn những người cao tuổi rất già yếu không có đủ khả năng đưa ra lựa chọn. Và con cái của họ thường không muốn cha mẹ già tiêm vaccine vì lo ngại về những phản ứng sau tiêm như sốt và đau nhức cơ bắp.
Tuy nhiên, những người già chưa được tiêm chủng này vẫn có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh khi mà lộ trình sống chung với dịch COVID-19 được triển khai, kể cả nếu những người đó chỉ ở trong nhà. Trên thực tế, những người thường xuyên tiếp xúc với người lớn tuổi chưa được tiêm phòng phải tiếp tục hạn chế các hoạt động giao tiếp xã hội của họ, bất kể trong tình huống Singapore nới lỏng các biện pháp giãn cách ở mức độ nào.
Những người này thậm chí có thể cần tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 thường xuyên để đảm bảo không bị nhiễm bệnh. Việc duy trì một "bong bóng xã hội" bảo vệ như vậy là cần thiết đối với tất cả các thành viên trong một gia đình có người lớn tuổi chưa được tiêm vaccine.
Các thành viên trong gia đình đã được tiêm phòng vẫn có thể bị nhiễm bệnh, nhưng có thể hoàn toàn không nhận ra điều đó, vì họ không có hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, do đó có thể vô tình truyền virus COVID-19 cho người lớn tuổi chưa được tiêm vaccine trong gia đình. Đây không phải là một khả năng trên lý thuyết, mà là điều hoàn toàn có thể xảy ra tại Singapore trong những tháng tới.
Mặt khác, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các ca tử vong do COVID-19 của những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Tình trạng này xảy ra ở cả những quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế tiên tiến tương đương với Singapore. Nhưng điều đó không có nghĩa là vaccine COVID-19 không hiệu quả. Trong một cộng đồng mà mọi người đều được tiêm chủng đầy đủ, vẫn sẽ có người nhiễm COVID-19 có triệu chứng nghiêm trọng, cần được chăm sóc tại bệnh viện, được chuyển tới phòng ICU và có người tử vọng vì các biến chứng liên quan đến COVID-19.
Trung bình, Singapore ghi nhận 800 ca tử vong mỗi năm do bệnh cúm. Nhiều nạn nhân là người cao tuổi hoặc người có các bệnh lý tiềm ẩn. Đây là khả năng sẽ xảy ra khi con người bắt đầu sống chung với COVID-19. Bất cứ lúc nào cũng sẽ có người phải nhập viện hoặc có thể tử vong do COVID-19, nhưng phần lớn mọi người có thể tránh nguy cơ trên bằng cách tiêm vaccine cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa ví dụ như đeo khẩu trang.
Lộ trình phía trước
Nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu và việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trong nước được kỳ vọng sẽ đưa Singapore đến con đường phục hồi tốt hơn dự kiến, sau khi chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, nhà kinh tế thuộc tập đoàn ngân hàng UOB Barnabas Gan cho biết, triển vọng kinh tế của Singapore sẽ phụ thuộc vào diễn biến COVID-19. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn có thể gây rủi ro cho sự tăng trưởng toàn diện của Singapore.
Ông Edward Lee, nhà kinh tế trưởng ngân hàng Standard Chartered phụ trách khu vực Đông Nam Á và Nam Á, nhận định sự phục hồi tăng trưởng kinh tế không đồng đều của Singapore có thể thậm chí trở nên sâu sắc hơn trong những tháng tới. Sự chênh lệch về tăng trưởng là khá rõ trong những ước tính GDP được công bố gần đây cho quý 2/2021. GDP của Singapore quý 2/2021 tăng trưởng với mức tăng kỷ lục 14,3% tính trên cơ sở hàng năm, song kết quả đó phần lớn dựa vào nền tảng thấp của quý 2/2020, thời điểm GDP giảm đến 13,3% do các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ ngày 7/4 đến 1/6/2020.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Singapore trong quý 2/2021 cũng đã chậm lại so với quý I/2021 tính trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, do các hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19 trong giai đoạn "cảnh báo cao" (16/5-13/6). Standard Chartered đánh giá tác động đối với tăng trưởng kinh tế cả năm từ các biện pháp phòng dịch được áp đặt trong giai đoạn này là khoảng 0,4 điểm phần trăm.
Chính phủ Singapore đã nỗ lực giảm bớt những tác động này, với một gói các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 800 triệu SGD (khoảng 590 triệu USD), trong đó có tăng cường Chương trình hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuế và Kế hoạch phục hồi COVID-19.
Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở mức độ lớn, thì những hạn chế đi lại vẫn có tác động dài hạn lên các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch như vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống và bán lẻ. Lĩnh vực xây dựng vốn cần lượng lao động nước ngoài ổn định sẽ vẫn bị ảnh hưởng bất lợi khi các nguồn cung lao động có tính cạnh tranh hơn lại xuất phát từ các quốc gia có rủi ro COVID-19 cao.
Nhìn chung, lộ trình "sống chung" với dịch COVID-19 vẫn còn tiềm chứa những yếu tố không chắc chắn. Hàng rào bảo vệ có được nhờ vaccine có thể sẽ mất dần theo thời gian, đặc biệt là ở những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao nhất. Các biến thể mới đáng lo ngại sau biến thể Delta cũng có thể xuất hiện và thách thức hiệu quả của các loại vaccine hiện nay.
Singapore cần tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của dịch bệnh, phát triển năng lực ứng phó và sẵn sàng xem xét những biện pháp bổ sung để duy trì lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp./.