Theo Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Ngân hàng trung ương-MAS), chính phủ nước này dự kiến sẽ phát hành từ 2-4 tỷ đôla Singapore trái phiếu tiết kiệm lần đầu tiên vào nửa cuối năm nay.
Cũng theo MAS, trái phiếu tiết kiệm là một loại chứng khoán chính phủ mới của Singapore được thiết kế nhằm cung cấp cho người dân một công cụ đầu tư “lâu dài, tùy chọn tiết kiệm linh hoạt, với lợi nhuận an toàn.”
Bà Josephine Teo, Bộ trưởng cấp cao (Bộ Tài chính và Giao Thông) Singapore nhấn mạnh việc chào bán trái phiếu tiết kiệm lần đầu tiên sẽ được chính phủ công bố trước khi phát hành một tháng và dự kiến sẽ được phát hành hàng tháng, ít nhất là trong 5 năm.
Theo quy định, cá nhân muốn mua trái phiếu phải là công dân từ 18 tuổi trở lên, có tài khoản ngân hàng được mở tại các ngân hàng đăng ký tham gia chương trình trái phiếu tiết kiệm hiện nay như DBS, POSB, OCBC hay UOB.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng phải mở một tài khoản thanh toán cá nhân tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (CDP) để thực hiện các giao dịch mua bán trực tiếp.
Nhà đầu tư chỉ có thể mua trái phiếu tiết kiệm bằng tiền mặt với mệnh giá tối thiểu là 500 đôla Singapore và tối đa là 50.000 đôla Singapore. Mỗi cá nhân có thể sở hữu 100.000 đôla Singapore trái phiếu tại bất kỳ thời điểm nào.
“Chính phủ sẽ xem xét nới rộng mức này khi việc phát hành được thiện sau một thời gian. Nguồn tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu sẽ không dùng vào mục đich chi tiêu của chính phủ, mà sẽ được sử dụng để đầu tư,” bà Josephine Teo cho hay.
Trái phiếu tiết kiệm có lãi suất “bậc thang,” có nghĩa là lãi suất của năm sau sẽ cao hơn năm trước đó. Lãi suất trái phiếu năm đầu tiên tương đương lãi suất trái phiếu chính phủ loại 1 năm có thể chuyển đổi.
Và nếu có nhu cầu bán lại trái phiếu sau 5 năm, các trái chủ có thể nhận được mức lãi suất trung bình hàng năm đúng bằng với lãi suất trái phiếu chính phủ loại 5 năm được phát hành vào thời điểm bán.
Sau 10 năm, nếu muốn bán, trái chủ sẽ nhận được lãi suất trung bình bằng với lãi suất trái phiếu chính loại 10 năm được phát hành vào thời điểm bán.
Các nhà đầu tư sẽ được trả lãi định kỳ sáu tháng và họ có thể giữ tiền lãi này ngay cả khi đáo hạn trái phiếu trước thời hạn.
Nhận định về việc phát hành trái phiếu tiết kiệm lần này, các nhà phân tích cho biết đây là một công cụ đầu tư cá nhân hấp dẫn, nhưng không có tác dụng chống lạm phát.
"Lãi suất trung bình của trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện tại khoảng 2,45%, trong khi lạm phát trung bình trong 10 năm qua là 2,67%. Vì vậy, nó không có vẻ như có thể chống lại lạm phát, trừ khi bạn may mắn mua trái phiếu đúng vào năm mà lãi suất ở mức cao hơn," một chuyên gia nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng trái phiếu tiết kiệm chính phủ là một lựa chọn đầu tư dài hạn hấp dẫn về mức độ ăn toàn và sự linh hoạt trong thời gian chuyển đổi, phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu./.