Tối 3/10, Gala chung kết cuộc thi phát triển ý tưởng công nghệ UAVS Hackatrix 2021 đã diễn ra thành công, giới thiệu tới công chúng 5 đề án khoa học công nghệ có tính sáng tạo và thực tiễn cao, đóng góp vào hệ thống các giải pháp công nghệ, góp phần phát triển kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, sự kiện này là một hoạt động tiếp nối chuỗi chương trình hỗ trợ và tạo dựng sân chơi học thuật cho cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Australia do Tổng hội Du học sinh Việt Nam tại bang New South Wales của Australia (UAVS-NSW) tổ chức hằng năm.
Bắt đầu triển khai từ tháng 7/2021, cuộc thi phát triển ý tưởng công nghệ UAVS Hackatrix 2021 có quy mô mở rộng lần đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam và Australia. Cuộc thi đã thu hút 301 cá nhân tham gia, được chia thành 69 đội thi đấu.
Sau hai vòng tuyển chọn, vòng chung kết UAVS Hackatrix 2021 đã diễn ra dưới hình thức đêm Gala trực tiếp, thực hiện qua nền tảng trực tuyến vFairs mới lạ với tính tương tác cao, thu hút đông đảo người tham dự.
[Gần 1.000 tổ chức tư vấn du học được cấp phép hoạt động tại Hà Nội]
Tại đêm chung kết, 5 đội thi có điểm số cao nhất đã thể hiện màn thi đấu xuất sắc, thuyết trình và phản biện về ý tưởng phát triển sản phẩm công nghệ, cạnh tranh về độ sáng tạo, tính ứng dụng và hoàn thiện của phần mềm nhằm giải quyết bài toán trong các lĩnh vực y tế, xã hội, tài chính-ngân hàng, dịch vụ, công nghệ kỹ thuật.
Kết quả chung cuộc, ý tưởng công nghệ liên quan đến thuỷ văn và thời tiết áp dụng cho nông nghiệp Việt Nam của đội AnCV, bao gồm 3 thành viên đến từ trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và trường Đại học Việt Hàn thuộc Đại học Đà Nẵng, đã xuất sắc đạt giải Nhất và giành được phần thưởng tiền mặt trị giá 2.000 AUD (1.400 USD), học bổng 100% và 70 % tại học viện FUNiX và MindX, cùng nhiều giải thưởng giá trị khác.
Xuất phát từ những vấn đề của nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam, đội AnCV đã đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) áp dụng vào phân tích dữ liệu kết hợp với phần mềm OpenWeather API cùng data viễn thám để phân tích các thông số.
Từ đó, với mỗi điều kiện cụ thể, AnCV sẽ đưa ra giải pháp hợp lý được phân tích nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho mỗi hộ dân.
Đại diện đội AnCV chia sẻ ý tưởng về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã được các thành viên trong đội ấp ủ từ hai năm trước. Đây là sản phẩm có giá trị về cộng đồng, với kỳ vọng sẽ tạo ra một quy trình mới trong sản xuất nông nghiệp và tiếp cận với công nghệ cao.
Ngoài đội AnCV, hai đội chơi khác là đội Puzzle và đội GenX cũng đã xuất sắc lần lượt giành giải Nhì và Ba với các dự án liên quan đến lĩnh vực y tế, hiện đang được quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đội Puzzle, với các thành viên đến từ trường Đại học Macquarie (Australia), trường Đại học Bách Khoa và Đại học Kinh tế quốc dân, đã lên ý tưởng sử dụng công nghệ ảo hỗ trợ đặt lịch khám Virtual Booking Assistant (VBA) giúp giải quyết tình trạng bệnh viện quá tải bằng AI tích hợp chatbot và đặt lịch thông minh.
Trong khi, đội GenX, với các thành viên đến từ Đại học VinUni, Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Học viện Ngoại giao và Đại học Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh, cũng không kém cạnh khi đem tới sản phẩm “Foresy” - kính công nghệ cao, giúp cảnh báo sức khỏe người dùng qua quá trình tự động theo dõi các tín hiệu sinh học trong thời gian dài và tự động gửi các yêu cầu hỗ trợ tới người dùng xung quanh, các trung tâm y tế gần nhất trong trường hợp khẩn cấp, giúp giảm rủi ro các biến chứng và tỷ lệ tử vong.
Phát biểu khai mạc đêm chung kết, ông Nguyễn Nhất Linh, Phó trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, đại diện Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, nhấn mạnh kỷ nguyên số là đề tài được nhiều quốc gia tổ chức khai thác để cập nhật với xu thế hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này.
Với tầm nhìn vào năm 2030, Việt Nam đang cố gắng trở thành một quốc gia số, thúc đẩy nền kinh tế số đóng góp vào 30% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong bối cảnh đó, thế hệ trẻ, các bạn học sinh, sinh viên chính là cây cầu kết nối tinh hoa của thế giới với dân tộc Việt Nam bằng những giải pháp công nghệ đột phá.
Bạn Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch của UAVS-NSW, cho biết cuộc thi UAVS Hackatrix 2021 sẽ giúp ươm mầm những dự án tiềm năng, có thể áp dụng cho thời kỳ công nghệ kinh tế đổi mới của Việt Nam, đồng thời kết nối toàn thể cộng đồng học sinh, sinh viên, các chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ, tư nhân có chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thông qua cuộc thi, UAVS-NSW mong muốn tạo ra một sân chơi tầm cỡ quốc tế cho toàn thể khối học sinh, sinh viên Việt Nam, đặc biệt là chuyên ngành công nghệ thông tin, nhằm nâng cao kiến thức, tạo cơ hội giao lưu và phát triển bản thân.
UAVS-NSW là tổ chức sinh viên phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích thúc đẩy phong trào sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales nói riêng và Australia nói chung, góp phần kết nối cộng đồng sinh viên trong và ngoài nước.
Bên cạnh các hoạt động được thực hiện định kỳ hằng năm, trong năm 2020-2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều khó khăn đáng kể, nhưng UAVS-NSW vẫn nỗ lực là nguồn hỗ trợ và đã liên tục tổ chức các hoạt động bổ ích dành cho sinh viên Việt Nam tại Australia./.