Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng gấp đôi trong vòng 6 tuần

Tính đến 8h sáng 28/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 16.629.212 ca, trong đó có 655.865 người tử vong.
Thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 do công ty Moderna phát triển, tại Viện nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington ở Seattle, Mỹ, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 28/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 16.629.212 ca, trong đó có 655.865 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 10.217.311 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  66.606 ca và 5.756.036 ca đang điều trị tích cực.

Triều Tiên là quốc gia mới nhất (thứ 214) thông báo chính thức có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn.

Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 6 tuần qua.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan kêu gọi chính phủ các nước cần phản ứng nhanh chóng và thông tin một cách minh bạch nhằm đảm bảo số lượng ca mắc COVID-19 thấp cũng như các ổ dịch "không liên tục tái bùng phát và lây nhiễm cao trong cộng đồng."

Theo ông Ryan, để kiểm soát một cách hiệu quả tình trạng gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19, các nước cần một sự can thiệp "kiên quyết, rõ ràng và liên tục" ở mức cộng đồng. Một điều quan trọng không kém là chính phủ các nước cần "trung thực và đáng tin cậy" cũng như "thông tin sự thật" cho công chúng.

Châu Mỹ vẫn là điểm nóng

Châu Mỹ vẫn là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico... Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.432.112 ca bệnh và 150.418 ca tử vong.

Tiếp đó là Brazil với 2.443.480 người mắc bệnh. Lần gần nhất số ca mắc bệnh trong ngày tại Mỹ dưới ngưỡng 60.000 ca là từ gần hai tuần trước - ngày 13/7.

Số ca mắc bệnh mới tại Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là các bang ở miền Nam và Tây nước này như California, Texas, Alabama và Florida.

[Quan chức cấp cao Nhà Trắng dương tính với SARS-CoV-2]

Ngày 27/7, Nhà Trắng thông báo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Donald Trump mắc bệnh. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence những ngày gần đây không có giao tiếp gần với ông O’Brien.

Trong khi đó, Guatemala ngày 27/7 đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế do chính phủ nước này áp đặt trước đó để đối phó với dịch COVID-19, bất chấp việc hơn 50% lãnh thổ nước này vẫn trong tình trạng báo động đỏ do dịch bệnh.

Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei khẳng định mọi quyết định đều không dễ dàng song đất nước không thể tiếp tục ngừng hoạt động. Ông cũng kêu gọi sự cam kết từ người dân và đề nghị mọi người tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh.

Với quyết định tái khởi động nền kinh tế, Chính phủ Guatemala bắt đầu cho phép hoạt động trở lại các ngành công nghiệp, nối lại từng bước giao thông công cộng trên các tuyến đường, cũng như cho phép mở cửa lại các trung tâm thương mại và nhà hàng.

Tuy nhiên, quốc gia Trung Mỹ vẫn duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm và tiếp tục đóng cửa biên giới. 

Một số nước châu Á tái áp đặt các biện pháp phòng dịch

Tại châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng trở lại, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.482.503 trường hợp, trong đó có 33.448 ca tử vong.

Một nhóm các nhà nghiên cứu cấp cao từ Israel đã tới thủ đô New Delhi của Ấn Độ để thúc đẩy việc phối hợp với Ấn Độ phát triển bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 có thể cho kết quả trong vòng 30 giây.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển (DDR&D) thuộc Bộ Quốc phòng Israel sẽ tiến hành một loạt "giai đoạn thử nghiệm cuối cùng" để xác định hiệu quả của một số giải pháp chẩn đoán nhanh với các đối tác Ấn Độ.

Nếu thử nghiệm thành công, bộ xét nghiệm này có thể làm "thay đổi cục diện" trong cuộc chiến chống COVID-19.

Các chuyên gia Israel cũng mang theo những công nghệ đột phá mới nhất của Israel để chống lại COVID-19, bao gồm cả thiết bị mà nước này cấm xuất khẩu.

Châu Âu tiếp tục xu thế hạ nhiệt

Trong khi đó, châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt," tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 27/7 tuyên bố nước này sẽ áp dụng xét nghiệm bắt buộc đối với du khách trở về từ những vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, trong bối cảnh quan ngại tăng cao do các chuyến du lịch mùa Hè có thể châm ngòi cho một đợt dịch mới.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trước khi vào một trung tâm mua sắm ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền bang Bayern (miền Nam nước Đức) đã nhất trí cho phép thiết lập các trạm kiểm tra và xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 tại hai nhà ga lớn ở bang này cũng như trên một số tuyến đường cao tốc lớn gần khu vực biên giới.

Thủ hiến bang Bayern Markus Söder cho biết bên cạnh các địa điểm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại sân bay, chính quyền bang đã nhất trí thiết lập thêm nhiều điểm xét nghiệm khác tại hai nhà ga trung tâm ở thành phố Munich và Nuremberg cũng như trên ba tuyến đường cao tốc lớn gần khu vực biên giới với Áo.

Ông Söder nhận định mặc dù chưa thể ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh COVID-19, song việc phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh đang là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay để có thể khống chế được sự lây lan nhanh của loại virus nguy hiểm này.

Trong khi đó, Chính phủ Séc đã giới thiệu một hệ thống được điều chỉnh để theo dõi và cách ly những người bị nhiễm COVID-19, nhằm ngăn chặn sự lan rộng của đại dịch.

Theo các biện pháp mới của chính phủ, một cơ quan giám sát do Thủ tướng Andrej Babis đứng đầu sẽ quản lý chương trình kiểm dịch thông minh, sử dụng dữ liệu di động để theo dõi những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh. 

Séc đã phải đối mặt sự bùng phát COVID-19 ở một số địa phương trong tháng vừa qua, với mức tăng hàng ngày của các ca nhiễm mới lên hơn 100 tại hầu hết những ngày trong tháng 7 sau một thời gian khi các ca nhiễm bệnh chủ yếu tăng hai con số.

Tính đến nay, Séc ghi nhận hơn 15.300 ca nhiễm COVID-19 kể từ tháng 3, với 371 trường hợp tử vong.

Châu Phi: Kenya cấm bán rượu trong các nhà hàng

Còn tại châu Phi, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm toàn quốc thêm 30 ngày, đồng thời cấm bán rượu trong các nhà hàng để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Lệnh giới nghiêm vào ban đêm được dự kiến dỡ bỏ vào ngày 6 hoặc 7/8 tới đây. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Kenyatta cho rằng đất nước đang trong "cuộc chiến tranh" với một kẻ thù vô hình rất nguy hiểm.

Trong thời gian gần đây, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Kenya đã tăng đột biến sau khi quốc gia Đông Phi này nới lỏng lệnh giới nghiêm. Cho đến nay, Kenya đã phát hiện 17.603 trường hợp nhiễm COVID-19 và 280 người đã tử vong.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 27/7 cho biết đã thông qua khoản viện trợ 4,3 tỷ USD cho Nam Phi để giúp nước này chống đại dịch COVID-19.

Thông báo của IMF nêu rõ khoản viện trợ này nhằm trợ giúp các nỗ lực của Chính phủ Nam Phi trong việc đối phó với tình hình y tế khó khăn và những tác động nghiêm trọng về kinh tế do cú sốc dịch COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục