Số ca nhập viện tại Pháp tăng, Anh giúp các nước xác định các biến thể

Tại Pháp, trong 2 ngày qua có hơn 1.000 người mắc COVID-19 phải nhập viện, trong khi Bộ Y tế Anh cho biết nước này sẽ giúp các nước xác định những biến thể của virus SARS-CoV-2.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở Paris, Pháp ngày 16/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện và điều trị tích cực tại Pháp tiếp tục tăng cao, trong khi số ca tử vong tại Mexico đã vượt con số 150.000.

Tại Pháp, trong 2 ngày qua có hơn 1.000 người mắc COVID-19 phải nhập viện, mức tăng cao chưa từng thấy kể từ ngày 16/11/2020, trong khi số bệnh nhân phải điều trị tại khu điều trị tích cực (ICU) lần đầu tiên vượt 3.000 ca kể từ ngày 9/12/2020.

Theo số liệu công bố trên trang mạng thông tin của chính phủ về COVID-19, tổng số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã lên tới 26.924 người.

Tổng số người đang được điều trị trong ICU là 3.041 ca, thấp hơn con số đỉnh điểm 7.148 ca ghi nhận vào ngày 4/4/2020, song đang gia tăng gần như hằng ngày kể từ ngày 7/1 vừa qua.

Số liệu của các cơ quan y tế công bố ngày 25/1 (theo giờ địa phương) cho thấy trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 4.240 ca mắc, giảm so với con số 18.346 ca ngày 24/1, song cao hơn so với 3.736 ca ghi nhận ngày 18/1 vừa qua.

Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày tăng lên mức cao với 54.440 ca đến ngày 7/11/2020, sau đó giảm xuống 10.348 ca ngày 4/12/2020, nhưng hiện vẫn ở con số 20.447 ca - mức cao nhất trong 2 tháng.

[Số người mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 100 triệu]

Cũng trong 24 giờ qua, Pháp có thêm 445 ca tử vong do COVID-19, so với con số 172 ca ghi nhận ngày 24/1. Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày tăng lên 401, mức cao nhất kể từ ngày 9/12/2020.

Như vậy đến nay, tổng số ca mắc tại Pháp tăng lên 3.057.857 ca với 73.494 ca không qua khỏi. Quốc gia Tây Âu này hiện đứng thứ 6 trên thế giới về số ca mắc và đứng thứ 7 về số ca tử vong do COVID-19.

Ngày càng nhiều chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa thứ ba tại Pháp trong khi triển khai chiến dịch tiêm phòng vắcxin. Tuy nhiên, truyền thông Pháp đưa tin Tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách thức tránh áp dụng biện pháp phong tỏa.

Từ ngày 16/1 vừa qua, Pháp đã thực thi lệnh giới nghiêm trong ít nhất 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Anh giúp các nước khác xác định các biến thể của virus 

Ngày 26/1, Bộ Y tế Anh cho biết nước này sẽ chia sẻ năng lực giải mã gen nhằm giúp các quốc gia thiếu nguồn lực nhận diện nhanh hơn những biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Anh cho biết nước này đã thực hiện hơn một nửa giải mã gene của virus SARS-CoV-2 đưa vào cơ sở dữ liệu toàn cầu và sẽ thực hiện Nền tảng đánh giá biến thể mới, có thể được sử dụng để giải mã gene của các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như khi xảy ra các đại dịch khác trong tương lai.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London khi Chính phủ Anh ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba nhằm ngăn dịch lây lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nền tảng đánh giá biến thể mới sẽ do Cơ quan y tế công cộng vùng England (PHE) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng chương trình trên sẽ giúp các nước hiểu rõ hơn về virus SARS-CoV-2 và cách thức lây lan của virus này. Theo đó, các phòng thí nghiệm của Anh sẽ phân tích trực tiếp các mẫu thử do các nước gửi đến hoặc hướng dẫn và hỗ trợ từ xa nếu cần thiết. Các nước sẽ đề nghị trợ giúp thông qua WHO.

Anh hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và nước này hy vọng sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hệ thống y tế toàn cầu hiệu quả hơn nhằm bảo đảm cộng đồng quốc tế có sự chuẩn bị tốt hơn trước những mối đe dọa trong tương lai. Theo đó, Nền tảng đánh giá biến thể mới nói trên là một phần trong kế hoạch hành động của Anh.

Cho đến nay thế giới đã phát hiện 3 biến thể chính đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 ở Anh, Nam Phi và Brazil. Cả 3 biến thể này đều được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn, trong đó biến thể phát hiện tại Anh được cho là có khả năng gây tử vong cao hơn dù chưa có những bằng chứng rõ ràng.

Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng các loại vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay có thể không hiệu quả phòng ngừa những biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi và Brazil. 

Hãng dược phẩm Moderna ngày 25/1 cho rằng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này có thể phòng ngừa được các biến thể ở Anh và Nam Phi, trong khi giới chức y tế Anh tin tưởng rằng vắcxin của Pfizer và AstraZeneca đang được lưu hành tại Anh có thể phòng ngừa biến thể xuất hiên tại nước này.

Hơn 150.000 ca tử vong tại Mexico

Tại Mexico, chính phủ nước này ngày 26/1 thông báo số người tử vong do COVID-19 tại Mexico đã vượt 150.000.

Cụ thể, Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 659 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 150.273 ca, chỉ sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Số ca mắc tại Mexico tăng thêm 8.521 ca lên hơn 1,77 triệu ca.

Cùng ngày, gia đình tỷ phú Mexico Carlos Slim - một trong những người giàu nhất thế giới - cho biết “ông trùm” viễn thông 80 tuổi này đã mắc COVID-19 và đang được điều trị, song may mắn chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Theo tạp chí Forbes, ông Carlos Slim sở hữu khối tài sản 59,9 tỷ USD và là người đàn ông giàu nhất tại Mỹ Latinh.

Một ngày trước đó, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador thông báo ông mắc COVID-19 và đang được điều trị nhưng cũng chỉ có triệu chứng nhẹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục