Số hóa giúp ngân hàng “sống khỏe” trong mùa dịch COVID-19

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nhưng nhờ đẩy mạnh số hóa, hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn duy trì sự ổn định, đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn, mang về lợi nhuận tích cực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đang gây nhiều tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội; trong đó, có ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, nhờ việc đẩy mạnh số hóa, hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện vẫn duy trì sự ổn định, đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn và mang về lợi nhuận tích cực.

“Giảm đau” nhờ nền tảng giao dịch trực tuyến

Tại tâm dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ tháng Sáu đến nay, nhiều điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng bị phong tỏa hoặc tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Để đảm bảo hoạt động an toàn, hiện nhiều tổ chức tín dụng đang triển khai phương án kinh doanh “3 tại chỗ,” cho nhân viên ăn, ngủ, nghỉ ngay tại điểm giao dịch, dù ngành ngân hàng không phải là đối tượng bắt buộc phải thực hiện như các doanh nghiệp sản xuất.

Theo các tổ chức tín dụng, việc nhiều tỉnh, thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg kéo dài sẽ khiến hoạt động của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng đáng kể, do không thể tiếp cận, tư vấn khách hàng… để cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, hoạt động của ngành cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định, nhờ nền tảng giao dịch trực tuyến.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, khả năng thích nghi của các ngân hàng tương đối tốt so với nhiều ngành khác. Bởi, hầu hết các ngân hàng có thể duy trì hoạt động bình thường trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Các nghiệp vụ chính về sinh lời hay các kênh đầu tư, kinh doanh các mảng dịch vụ, tỷ giá… vẫn có cơ hội phát triển tốt.

Nhờ nền tảng giao dịch trực tuyến, ngân hàng đã tiết kiệm được chi phí quản lý lớn, chỉ bằng 1/30-1/50 so với kênh giao dịch truyền thống. Ở TPBank, hiện trên 92% tổng số giao dịch được thực hiện trên nền tảng số nên chi phí quản lý giảm đi rất nhiều. "Với việc tiết giảm chi phí tối đa, cộng thêm đẩy mạnh tiết kiệm ở những hoạt động khác, TPBank hy vọng sẽ bù đắp được những ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra," ông Hưng chia sẻ.

[TPBank nhận giải thưởng ngân hàng bán lẻ mạnh nhất từ The Asian Banker] 

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến hiện lên mức 91% so với tổng số lượng giao dịch. Thời gian qua, VIB đã tiên phong áp dụng các công nghệ như Big Data, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây vào các giao dịch, giúp trải nghiệm thanh toán trực tuyến của khách hàng được dễ dàng, thuận lợi hơn. Hoạt động giao dịch của ngân hàng theo đó cũng ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19.

Theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Công nghệ VIB, nhờ việc đẩy mạnh số hóa, hiện các khách hàng hoàn toàn dễ dàng mở thẻ để thanh toán, mở tài khoản, gửi tiết kiệm trực tuyến, chuyển tiền và các dịch vụ ngân hàng khác của VIB ngay tại nhà mà không phải đến chi nhánh ngân hàng, không cần gặp nhân viên cũng không cần hồ sơ giấy tờ.

Gần đây, VIB cũng đã đưa ra nhiều sản phẩm 100% số hóa và liên kết với các đối tác giúp khách hàng có trải nghiệm liền mạch và thuận tiện. Năm 2020, mảng ngân hàng số của VIB đạt tăng trưởng về số lượng đăng ký đến 130%.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt, ngay trong thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, ngân hàng này đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số mới Digimi, thay thế ứng dụng cũ là Viet Capital Mobile Banking. Ứng dụng mới này cho phép khách hàng thực hiện nhiều tính năng nổi trội, tiện ích mở thẻ tín dụng trực tiếp trên digibank.vietcapitalbank.com.vn mà không cần đến ngân hàng; đồng thời, ngân hàng cũng triển khai gói tài khoản 0 phí… nhằm hỗ trợ, thu hút người dùng.

Kết quả cho thấy, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trung bình 20%/tháng. Lượng khách hàng mở tài khoản thông qua ứng dụng di dộng cũng tăng mạnh, tiền gửi trực tuyến tăng về số lượng và giá trị giao dịch, trở thành kênh gửi tiết kiệm chính của nhiều khách hàng.

Quá trình chuyển đổi số của nhiều tổ chức tín dụng ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ từ lực đẩy COVID-19. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Dự kiến, trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số; tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.

Tối ưu hóa năng suất lao động

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, mặc dù hoạt động kinh tế bị chậm lại do ảnh hưởng của COVID-19, tuy nhiên nhờ việc số hóa mạnh mẽ đã giúp các ngân hàng xâm nhập, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Thống kê sơ bộ cho thấy trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng niêm yết đã có mức tăng trưởng lợi nhuận từ 40-60% so với cùng kỳ. Trong số nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nguyên nhân hoạt động ngân hàng đang trở nên hiệu quả hơn từ quá trình chuyển đổi số mang lại. Mức tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của các ngân hàng đã giảm mạnh trong 4 năm qua, giúp lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh và khá bền vững.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Thực tế khảo sát báo cáo tài chính quý 2 vừa qua của các ngân hàng niêm yết cho thấy, hầu hết ngân hàng đều có mức CIR giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, nhờ quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm gần đây.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong nửa đầu năm nay, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt gần 23.100 tỷ đồng, tăng tới 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nhờ việc tối ưu hóa chi phí và ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành, chi phí hoạt động của VPBank được tiết giảm 7,4%. Tỷ lệ CIR theo đó chỉ còn 23,4% trong nửa đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 31% ở cùng kỳ. Đây cũng là một trong những ngân hàng có hệ số CIR ở mức thấp nhất trong hệ thống.

Trong 6 tháng đầu năm nay, CIR của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cũng đã giảm mạnh từ mức 29,6% ở cùng kỳ, xuống chỉ còn 28,1%. Theo OCB, việc tăng cường đầu tư công nghệ đã giúp ngân hàng tối ưu hóa năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại TPBank, CIR cũng đã giảm rất mạnh từ 43% cuối tháng 6/2020 xuống chỉ còn 36% ở thời điểm kết thúc quý 2 năm nay. Đây chính là kết quả ngân hàng gặt hái được sau khi đẩy mạnh các hoạt động số hóa trong mọi quy trình vận hành nội bộ, cũng như áp dụng các kênh số hóa để mở rộng thị phần kinh doanh. Đồng thời, cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm.

Một số ngân hàng thương mại khác cũng có chỉ số CIR giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) có CIR giảm mạnh từ mức 43% ở cùng kỳ 2020, xuống chỉ còn 25,5%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có CIR giảm từ 33,3% xuống còn 28,4%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB) giảm từ 34,7% xuống còn 32,5%...

Theo các chuyên gia, một trong đích đến quan trọng của quá trình chuyển đổi số là giúp ngân hàng tiết giảm chi phí tối đa, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận. Do đó, bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận, CIR là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng.

Tỷ lệ CIR của các ngân hàng ngày càng giảm cho thấy, ngân hàng đang hoạt động khá hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra doanh thu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp CIR của ngân hàng ở mức cao đôi khi lại không hẳn mang tính tiêu cực, nhất là trường hợp ngân hàng trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Về dài hạn, quá trình đầu tư này sẽ giúp ngân hàng tối ưu hóa hoạt động, tiết giảm chi phí, qua đó kéo giảm CIR xuống thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục