Mùa hè 2017, đội tuyển Anh dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Gareth Southgate đã tới khu tổ hợp St George’s Park để tập huấn. Các cầu thủ Tam Sư cứ nghĩ rằng họ sẽ tập luyện giáo trình quen thuộc nhằm chuẩn bị cho các trận giao hữu với Scotland và Pháp.
Thế nhưng mọi sự không như mong đợi, các thành viên Hải quân Hoàng gia Anh xuất hiện. Thay vì tập nhẹ như mọi khi, các cầu thủ Tam Sư đã phải trải qua một “cơn ác mộng” trong bùn lầy và tiếng hò hét, vốn là đặc sản của giáo trình huấn luyện các lực lượng đặc công.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng các vận động viên vốn là những người có thể lực lẫn thể chất tốt, nhưng chưa “thấm” vào đâu nếu so sánh với binh lính quân đội.
Khác với các cầu thủ Anh chỉ phải ở trong cơn bĩ cực có vài ngày, tiền đạo Son Heung-min của Hàn Quốc đang phải đối diện với cơn ác mộng tương tự, có điều kéo dài đến hai năm.
Theo quy định của luật pháp Hàn Quốc, mọi công dân là nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 35 đều phải phục vụ quân đội trong khoảng thời gian tối đa là 24 tháng. Bên cạnh đó, những công dân nam đủ điều kiện sức khỏe đều bắt buộc phải nhập ngũ khi đủ 24 đến 28 tuổi.
Do Son Heung-min đang làm việc tại nước ngoài với visa lao động, anh được hoãn nghĩa vụ đến tối đa đến 27 tuổi (năm 2020). Điều đó có nghĩa là Son (26 tuổi) chỉ còn khoảng 15 tháng nữa là phải nhập ngũ.
[Đường đến trận bán kết ASIAD của Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc]
Với một vận động viên chuyên nghiệp, đặc biệt là bóng đá có độ tuổi “chín muồi” vào khoảng 26-30 tuổi, hai năm nhập ngũ sẽ gần như là dấu chấm hết cho những tháng năm rực rỡ. Dĩ nhiên họ có thể quay lại thi đấu sau đó, nhưng hai năm không động vào trái bóng sẽ khiến cảm giác lẫn trình độ của các vận động viên mai một đi nhiều.
Tuy nhiên mọi thứ chưa hẳn đã hết với Son Heung-min, anh có thể được đặc cách. Các cầu thủ bóng đá Hàn Quốc sẽ chỉ cần nhập ngũ một tháng với điều kiện đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc tế. Chiều nay 29/8, Son Heung-min-một ngôi sao tầm cỡ thế giới cất công tham dự ASIAD 2018 tại Indonesia, nơi anh chuẩn bị có cuộc chạm trán với Olympic Việt Nam.
Dĩ nhiên điều lệ này cũng chưa thật sự hoàn chỉnh, bởi khái niệm “thành tích cao” vẫn là chủ đề gây tranh luận trong xã hội Hàn Quốc. Ví dụ trường hợp cựu tiền vệ Park Ji-Sung được miễn nghĩa vụ khi giúp đội tuyển Hàn Quốc vào tới bán kết World Cup 2002 tổ chức tại quê nhà; hay như trường hợp tiền vệ Ki Sung-yueng của Newcastle được miễn vì giúp Hàn Quốc giành huy chương Đồng tại Olympic 2012 ở London (Anh).
Với Son Heung-min, vào tới bán kết hay giành huy chương Đồng ASIAD 2018 chưa đủ để giúp anh được đặc cách, mà bắt buộc phải giành huy chương Vàng! Nhiều người không dám nói ra, nhưng “thành tích cao” đến đâu sẽ phải được đong đếm bằng tầm vóc của giải đấu tham dự. Do đó khó có một bộ quy chuẩn hoàn thiện cho các vận động viên.
James Hoare, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên cho biết: “Cầu thủ càng nổi tiếng, càng khó để tránh nghĩa vụ quân sự. Son Heung-min không thể được đặc cách chỉ vì anh là một cầu thủ nổi tiếng ở Premier League. Tại Hàn Quốc, nhập ngũ vừa là nghĩa vụ, vừa là danh dự.”
Năm 2014, khi còn chơi cho Bayer Leverkusen, Son Heung-min đã được triệu tập để tham dự ASIAD 2014 tổ chức tại quê nhà Hàn Quốc. Tuy nhiên vì trùng lịch đá giải đấu danh giá Champions League, câu lạc bộ Đức đã từ chối để tiền đạo con cưng của mình về nước. Tại giải đấu đó, Hàn Quốc lên ngôi vô địch.
Bốn năm sau tại Indonesia, Son Heung-min giờ đã là một ngôi sao tầm cỡ, đang xỏ giày vào thi đấu tại một sân chơi mà nhiều người cho rằng quá bé nhỏ so với anh.
Động lực thực sự của Son Heung-min là gì? Để sửa sai quá khứ hay vì một mục đích cá nhân nào khác? Câu trả lời có lẽ không quá quan trọng, bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là một suy nghĩ bé nhỏ, lọt thỏm trong những trận đấu mà máu và nước mắt tuôn rơi vì danh dự của tổ quốc./.