Sri Lanka: Tình hình nằm trong tầm kiểm soát sau vụ đụng độ

Sri Lanka đã kiểm soát hoàn toàn tình hình sau khi xảy ra vụ đụng độ 2 ngày trước tại vùng Tây Bắc nước này khiến một người thiệt mạng, hàng chục cửa hiệu, nhà cửa và thánh đường Hồi giáo bị phá hoại.
Binh sỹ gác tại hiện trường vụ đụng độ ở Minuwangoda, Sri Lanka, ngày 14/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 15/5, giới chức Sri Lanka cho biết họ đã kiểm soát hoàn toàn tình hình sau khi xảy ra vụ đụng độ 2 ngày trước tại vùng Tây Bắc nước này khiến một người thiệt mạng, hàng chục cửa hiệu, nhà cửa và thánh đường Hồi giáo bị phá hoại.

Người phát ngôn quân đội Sri Lanka Sumith Atapattu nói: "Tình hình hiện đã được kiểm soát hoàn toàn. Không xảy ra vụ bạo lực nào trong đêm và chúng tôi đang bắt giữ những nhóm người tham gia vào các vụ đụng độ này."

Trong khi đó, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Sri Lanka, Ruwan Gunasekera cho biết tính tới chiều 14/5, hơn 80 đối tượng đã bị bắt.

Theo các nguồn tin chính thức, cảnh sát Sri Lanka đã triển khai các đơn vị đặc biệt để xem lại các đoạn băng ghi hình từ camera an ninh nhằm xác định những đối tượng tham gia vào vụ đụng độ và lấy đó làm căn cứ để tiến hành bắt giữ.

Nhiều cảnh sát và đơn vị quân đội đã được triển khai tại khu vực này trong khi giới chức Sri Lanka sáng 15/5 bãi bỏ lệnh giới nghiêm được ban bố một ngày trước đó.

Trước đó, sáng 13/5, tại vùng Tây Bắc Sri Lanka và quận Gampaha ở ngoại ô thủ đô Colombo đã xảy ra các vụ đụng độ làm ít nhất 1 người thiệt mạng.

[Mạng lưới những kẻ đánh bom ở Sri Lanka]

Theo thông báo của cảnh sát, các vụ đụng độ xảy ở quận Kurunegala thuộc tỉnh Tây Bắc Sri Lanka khi đám đông đập phá các thánh đường Hồi giáo, cửa hàng kinh doanh và nhà cửa.

Sau khi xảy ra vụ đụng độ, cảnh sát Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm trong toàn quốc trong ngày 13 và tiếp đó là 14/5.

Chính phủ Sri Lanka cũng thông báo tái áp đặt lệnh cấm một số mạng truyền thông xã hội và ứng dụng tin nhắn, trong đó có Facebook và WhatsApp, cho rằng bạo lực xảy ra sau một loạt cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội, xuất phát từ việc một cư dân địa phương hiểu lầm nội dung của một bình luận trên Facebook là lời đe dọa nhằm vào những người Công giáo.

Những quan ngại về tình trạng bạo lực ngày càng tăng cao tại Sri Lanka sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào 3 nhà thờ Công giáo và 3 khách sạn hạng sang ngày 21/4 khiến 258 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận là thủ phạm, song đến nay chưa có bằng chứng nào xác minh tuyên bố của IS. Sau loạt vụ tấn công khủng bố, Sri Lanka đã áp đặt tình trạng khẩn cấp, tăng quyền hạn cho quân đội và cảnh sát nước này đẩy mạnh truy bắt các nghi can.

Sri Lanka là nơi có đa số dân theo đạo Phật, số người theo đạo Hồi chiếm khoảng 10% và người Công giáo chiếm khoảng 7,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục