Nhằm từng bước đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động có hiệu quả và đảm bảo tính an toàn trên toàn hệ thống, ngày 25/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp cùng Ban biên tập Tin kinh tế (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Khung pháp lý về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.”
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng cao trên thế giới, sự vận hành của thị trường đòi hỏi phát sinh những nhu cầu mới cho các thành viên thị trường và nhà đầu tư.
“Có thể nói, thị trường chứng khoán đang đứng trước giai đoạn phát triển theo chiều sâu và đòi hỏi phải mở rộng thị trường theo giá trị mới, khái niệm mới,” ông Long nhấn mạnh.
Trên cở sở đó, Chính phủ đã ra Quyết định 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
Điểm đáng chú ý, thị trường chứng khoán phái sinh khác biệt so với thị trường chứng khoán cơ sở ở một khía cạnh đặc biệt quan trọng, đó là thị trường cơ sở tạo cơ hội cho nhà đầu tư tạo lợi nhuận, qua đó trở thành trở thành kênh huy động và phân bổ vốn dài hạn phục vụ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, để nhà đầu tư có thể yên tâm chuyển dòng vốn nhàn rỗi thông qua thị trường chứng khoán cho phát triển nền kinh tế, thì cần phải phát triển mảng thị trường mới nhằm mục đích bảo vệ lợi nhuận cho nhà đầu tư và đó chính là thị trường chứng khoán phái sinh.
Song trên thực tế, sản phẩm chứng khoán phái sinh là sản phẩm rất phức tạp và bản thân các sản phẩm đó lại tiềm ẩn những rủi ro.
Do đó, ông Long khẳng định, “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, đảm bảo nguyên tắc thúc đẩy, phát triển thị trường có tổ chức và quản lý của nhà nước, từ đó giảm thiểu tối đa những rủi ro từ thị trường này.”
Tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình bày Dự thảo Nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh, với các quy định về điều kiện niêm yết, tổ chức kinh doanh, giao dịch, thanh toán bù trừ, nghĩa vụ công bố thông tin, quản lý giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp… trên thị trường.
Theo ông Sơn, đây là buổi lấy ý kiến quan trọng với các tổ chức, cá nhân và các thành viên thị trường về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Dự kiến, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình Chính phủ phê duyệt Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh trong quý 4 năm nay.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường về Dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tại trang thông tin điện tử của Ủy ban, thời hạn thực hiện từ ngày 28/8/2014 đến ngày 30/10/2014./.
Chứng khoán phái sinh là những công cụ tài chính mà giá trị của chúng được xác định dựa vào giá của tài sản cơ sở trên thị trường.Được biết, dự kiến lộ trình thiết kế và giao dịch sản phẩm: Giai đoạn 1-Hợp đồng tương lai chỉ số; Giai đoạn 2- Hợp đồng quyền chọn chỉ số, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; Giai đoạn 3-Hợp đồng tương lai và quyền chọn dựa trên cổ phiếu; Giai đoạn 4-Hợp đồng tương lai và quyền chọn dựa trên lãi suất, hối đoái, vàng, hàng hóa.
Hiện nay, sản phẩm chứng khoán phái sinh ETF đầu tiên trên trên thị trường chứng khoán Việt Nam là VFMVN30.