Sự bị động của khu vực Trung Đông trong giai đoạn dịch COVID-19

Với việc dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng ở phạm vi bên ngoài Trung Quốc, nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi đang phải hứng chịu những tác động của sự bùng phát đại dịch nguy hiểm này.
Công nhân phun thuốc khử trùng một nhà thờ nhằm ngăn dịch COVID-19 tại thành phố Hebron, Bờ Tây ngày 8/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần báo The Arab Weekly vừa có bài phân tích và đánh giá về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra ở các nước trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Bài viết có nội dung như sau:

Theo The Arab Weekly, với việc dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng ở phạm vi bên ngoài Trung Quốc, nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi đang phải hứng chịu những tác động của sự bùng phát đại dịch nguy hiểm này.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Iran dường như không thể kiểm soát nổi, nước Cộng hòa Hồi giáo hiện đang được coi là một trong những “điểm nóng” của cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Một số nước Trung Đông, trong đó có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman, Iraq, Kuwait, Lebanon, Bahrain, Qatar, Algeria và cả Ai Cập đã ghi nhận nhiều ca nhiễm SARS-CoV2, rất nhiều người trong số này đã trở về nước từ Iran.

[Nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi triển khai biện pháp phòng COVID-19]

Bất chấp việc giới chức Iran đã cố gắng tìm mọi cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế ở nước này, dịch COVID-19 đang lây lan rộng ở nước Cộng hòa Hồi giáo.

Nhiều quan chức cấp cao Iran đã nhiễm SARS-CoV-2 và một số người trong số đó đã tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19 ở Iran hiện đang cao hơn rất nhiều so với các nước khác.

Tehran đã và đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích về việc ứng phó với sự bùng phát của dịch COVID-19.

Nghị sỹ Quốc hội Iran Ahmad Farahani đã công khai cáo buộc Bộ Y tế nước này che đậy sự thật về số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Nhiều nguồn tin ở khu vực cho rằng số trường hợp tử vong do dịch COVID-19 ở Iran thực tế cao hơn rất nhiều so với con số mà nhà chức trách nước này công bố.

Các nhà nghiên cứu dịch bệnh ở Canada đã sử dụng một công thức tính toán và cho rằng có hơn 18.000 ca bệnh chỉ tính riêng ở Iran.

Chuyên gia Harith Hasan thuộc Trung tâm Trung Đông Carnegie đánh giá rằng có một vấn đề mang tầm khu vực về sự sẵn sàng đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19.

Ông Hasan nhận định: “Tại hầu hết các nước trong khu vực, đều có vấn đề mang tính thực thi của nhà nước. Ở một số nước, nhà nước đã không thể chứng tỏ cho xã hội về việc điều hành, năng lực cũng như thực thi hiệu quả các biện pháp ứng phó.”

Còn chuyên gia Elie Abouaoun, Giám đốc Chương trình Trung Đông-Bắc Phi thuộc Viện Hòa bình Mỹ, đã mô tả phản ứng chung của cả khu vực này là “tương đối kém” do “thiếu sự sẵn sàng ứng phó” với dịch bệnh.

Theo ông Abouaoun, có nhiều vấn đề về quản lý nhà nước ở nhiều nước trong khu vực đang gặp phải và thậm chí là có thể còn “nghiêm trọng hơn ở Iran.”

Nhiều nước trong khu vực đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch COVID-19, trong đó có việc tạm ngừng các chuyến bay và hạn chế du lịch, đặc biệt từ Iran và Trung Quốc.

Các biện pháp hạn chế đang có tác động lớn đến đời sống hàng ngày của người dân trong khu vực.

Iraq, Lebanon và Kuwait đã thông báo về việc đóng cửa các trường học trong thời gian ít nhất một tuần.

Ngoài ra, đã có lo ngại về những tác động kinh tế có khả năng xảy ra do dịch COVID-19.

Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng khăng khít với khu vực này, tuy nhiên khi ngày càng có nhiều chuyến bay bị cấm được thông báo và tình trạng bất ổn kinh tế gia tăng, giá dầu mỏ cũng được dự báo là sẽ sụt giảm nhiều.

Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Jihad Azour cho biết: “Chúng tôi cần thêm thời gian để đánh giá về mức độ nghiêm trọng của cú sốc này.”

Chuyên gia Hasan cho biết thêm: “Tình hình kinh tế ở hầu hết các nước trong khu vực đã và đang xấu đi trong vài năm qua.”

Theo ông Hasan, các chính phủ ở Lebanon, Iraq và Yemen có thể phải đối mặt với những vấn đề đặc biệt.

Ngoài ra, những lo ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với doanh thu của ngành du lịch cũng đang gia tăng.

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới đã ước tính rằng dịch COVID-19 sẽ khiến du lịch toàn cầu thất thu 22 tỷ USD.

Những tác động khiến lĩnh vực du lịch bị đình trệ được cảm nhận đặc biệt rõ ở các nền kinh tế thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ví dụ như Saudi Arabia, Tunisia, Morocco và Ai Cập, vốn phụ thuộc nhiều vào ngành “công nghiệp không khói” này.

Chỉ riêng tại Saudi Arabia, các khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến thăm các thánh địa linh thiêng ở nước này đã đóng góp vào khoản thu ngân sách hàng năm ước tính là 12 tỷ USD, chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong lĩnh vực phi dầu mỏ và tương đương 7% GDP của cả nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 sẽ gây thêm nhiều sức ép đối với cơ sở hạ tầng y tế của khu vực.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng các cuộc chiến tranh và bất ổn ở nhiều nơi trong khu vực có thể gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng ứng phó với dịch bệnh.

Theo ông Abouaoun, “trong một số trường hợp, các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra có thể gây cản trở cho những nỗ lực ứng phó khẩn cấp.”

Ngoài ra, theo chuyên gia này, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông về dịch COVID-19 để nâng cao nhận thức cho công chúng, tăng cường kiểm soát biên giới và các khách du lịch, triển khai các biện pháp chăm sóc y tế nhanh chóng và hiệu quả đối với người bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục