Sự 'biến hóa' trong sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc

Phạm vi của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đang chuyển từ chiến lược truyền thống là phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở hạ tầng sang những nỗ lực hiện đại và “bóng bẩy” hơn.
(Nguồn: financialexpress.com)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin kể từ đầu năm 2020 đã xuất hiện tin đồn rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) - chiến lược kinh tế trọng tâm của Trung Quốc - đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và sự phản đối gia tăng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là điều “hoang tưởng.” Sẽ chính xác hơn nếu nói rằng phạm vi của BRI đang chuyển từ chiến lược truyền thống là phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở hạ tầng sang những nỗ lực hiện đại và “bóng bẩy” hơn.

COVID-19 là động lực chính dẫn đến sự biến đổi này. Mặc dù trên thực tế đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vươn xa của Trung Quốc (và danh tiếng của nước này), nhưng nó cũng mang lại cho Bắc Kinh cơ hội hoàn hảo để thay đổi phạm vi của BRI và định hướng lại các nỗ lực phù hợp hơn.

[Trở ngại trong triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường tại Trung Á]

Trong suốt năm 2020, một số dự án trong BRI đã bị tạm dừng hoặc bị hủy bỏ, và nhiều quốc gia đã tìm cách hoãn trả các khoản vay cho Bắc Kinh.

Mặc dù vậy, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để xoay trục sang các dịch vụ kỹ thuật số và y tế công cộng.

Về “Con đường Tơ lụa Y tế” của Trung Quốc, ý tưởng về nỗ lực y tế cộng đồng toàn cầu do Trung Quốc dẫn đầu không phải là một ý tưởng mới.

Nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017 khi Chủ tịch Tập Cận Bình ký hiệp ước với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết đưa y tế trở thành trọng tâm chính của BRI.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã trở nên nổi bật hơn vào năm 2020 khi, dưới sự bảo trợ của BRI, các công ty Trung Quốc đã công khai tài trợ thiết bị bảo vệ cá nhân trên khắp thế giới nhằm chống lại COVID-19.

Các khía cạnh của "Con đường Tơ lụa Y tế" bao gồm cung cấp cho các quốc gia thiết bị vật tư y tế và tham vấn, cũng như tài trợ cho WHO để tổ chức này có thể hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ hơn.

Sau đó là kế hoạch “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số.” Mặc dù đại dịch đã gây ra một số cản trở trong nỗ lực của Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp công nghệ 5G hàng đầu thế giới, nhưng nó cũng mang lại những cơ hội bất ngờ.

Trong suốt năm 2020, các công ty công nghệ Trung Quốc đã giới thiệu nhiều dịch vụ y tế dựa trên 5G và giúp xây dựng mạng 5G ở cả trong và ngoài nước để kết nối nhân viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân với các chuyên gia y tế.

Hơn nữa, tháng 5/2020, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã thông qua kế hoạch chi tiêu 6 năm với 5G làm nền tảng.

Huawei, gã khổng lồ viễn thông gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc, cũng đặt một tuyến cáp quang dài 6000km xuyên Đại Tây Dương giữa Brazil và Cameroon, trong khi sự phổ biến của các nền tảng thanh toán kỹ thuật số như WeChat Pay và Alipay đã giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ hơn nữa.

Cái gọi là “Con đường Tơ lụa Xanh” tuy ít được chú ý hơn, nhưng nó thể hiện một nỗ lực mà gần như chắc chắn sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai.

Đại dịch đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh từ bỏ không chỉ các dự án không khả thi mà cả những dự án không được người dân ủng hộ và không mang lại giá trị kinh tế (như đập và nhà máy than ô nhiễm).

Các báo cáo đã ghi nhận rằng tỷ lệ các dự án ô nhiễm so với các dự án xanh do Trung Quốc bảo lãnh đã bắt đầu giảm.

Ví dụ, vào cuối năm ngoái, Bộ Sinh thái Trung Quốc đã ban hành một khuôn khổ để phân loại các dự án BRI tùy thuộc vào tác động môi trường của chúng.

Theo một phân tích, "hệ thống này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học do các dự án cơ sở hạ tầng lớn liên quan đến BRI gây ra."

Không chỉ vậy, trong năm 2020, 57% đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã tập trung vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đã thay đổi. Về cơ bản, BRI vẫn là một mô hình phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng.

Các kế hoạch của Tập Cận Bình cho tương lai vẫn dựa vào các hành lang kinh tế thực trên khắp châu Á và châu Âu, và vì các dự án của họ có xu hướng sử dụng các công ty Trung Quốc nên chúng tạo ra nhiều việc làm quan trọng cho lực lượng lao động.

Tuy nhiên, BRI không được định nghĩa rõ ràng, có nghĩa là nó có thể thích ứng với các lĩnh vực mới để vẫn mang tính phù hợp. Đó là những gì đang diễn ra trong lĩnh vực y tế, công nghệ và năng lượng xanh.

Kết quả cuối cùng là rất đáng chú ý. Như những điều đã đề cập ở trên, BRI hiện vẫn nổi bật và có sự gắn kết và định hướng mới. Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ cần một kế hoạch phối hợp đa chiều để đối phó lại sự thay đổi phạm vi của BRI nếu họ thực sự tham gia vào cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục