Sử dụng máy in 3D tạo mô hình chuỗi protein nghiên cứu ung thư

Nhờ công nghệ in 3D, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London đã tạo ra mô hình các chuỗi protein, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu phương thức chữa trị bệnh ung thư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ebi.ac.uk)

Nhờ công nghệ in 3D, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã tạo ra mô hình các chuỗi protein, thành phần thiết yếu của quá trình nhân đôi ADN, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu phương thức chữa trị bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu cho biết quá trình sao chép ADN phục vụ cho sự phát triển và nhân đôi của tế bào gặp sự cố nào có thể khiến cho tế bào chết đi hoặc trở thành tế bào ung thư.

Để thực hiện quá trình nhân đôi này, các tế bào sử dụng một cơ chế rất phức tạp với sự tham gia của hàng trăm thành phần khác nhau.

Các nhà khoa học đã quan sát cơ chế nhân đôi này để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự cố khi sao chép ADN. Nhờ vào máy in 3D lớn, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các mô hình cấu trúc protein dựa trên các hình ảnh có độ phân giải cao.

Từ các mô hình cấu trúc protein này, các nhà nghiên cứu đã thấy được cách thức các thành phần protein siêu nhỏ tập hợp và tạo ra bộ máy sao chép của tế bào và cũng từ đó, các nhà khoa học phát hiện ra nếu protein Cdc6 không tham gia vào quá trình hình thành "bộ máy" sao chép thì "bộ máy" này không hoạt động và quá trình sao chép ADN cũng dừng lại.

Các nhà khoa học khẳng định phát hiện này sẽ giúp cải thiện các phương pháp chữa trị ung thư hiện có. Hiện nay các phương pháp chữa trị chủ yếu nhằm vào việc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách phá hủy ADN của chúng.

Phương pháp này có thể gây hại tới ADN của những tế bào khỏe mạnh. Nếu các nhà nghiên cứu có thể phát triển một phương thức chữa bệnh nhắm vào quá trình sao chép ADN thay vì phá hủy ADN như hiện nay thì sẽ tránh được những tác dụng phụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục