Sự kiện quốc tế 26/2-4/3: Kỷ lục mới tại Oscar lần thứ 90

Người cao tuổi nhất được trao giải Oscar, bước lùi trong quan hệ Mỹ Cuba, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang là ba trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Oscar 2018 chứng kiến kỷ lục mới trong lịch sử giải thưởng
Sự kiện điện ảnh được mong đợi nhất trong năm của nước Mỹ, lễ trao giải Oscar lần thứ 90 do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tổ chức, diễn ra tối 4/3 (sáng 5/3 theo giờ Việt Nam), tại nhà hát Dolby ở thành phố Los Angeles.

"The Shape of Water," bộ phim kể về chuyện tình dị biệt giữa một cô gái câm và thủy quái, đã giành giải "Phim xuất sắc nhất."

Nam diễn viên người Anh Gary Oldman đã trở thành "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" với vai diễn Thủ tướng Anh Winston Churchill trong phim "Darkest Hour."

Frances McDormand giành giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" trong phim "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri."

Ở tuổi 89, James Ivory đã trở thành người cao tuổi nhất được trao giải Oscar trong lịch sử 90 năm của giải thưởng này, với kịch bản chuyển thể phim "Call Me by Your Name."

Đây là chiến thắng của nhà làm phim lão thành sau bốn đề cử (ba lần trước ở cương vị đạo diễn). Ông đã mất 9 tháng để chuyển thể kịch bản phim từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Andre Aciman.

Tác giả kịch bản James Ivory. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang
Ngày 1​/3, tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày bản Thông điệp liên bang năm 2018 trước hai viện Quốc hội và giới chức Nga trong gần 2 tiếng, đạt kỷ lục về thời gian.

Điểm đáng chú ý trong Thông điệp liên bang năm nay đó là việc nó đánh dấu lần đầu tiên ông Putin trình bày kèm theo các con số thống kê, các đồ họa và các video clip minh họa trên các màn hình khổng lồ gắn trong phòng họp.

Trong suốt 1 tiếng 55 phút liên tục, tổng thống Nga đã dành khoảng một nửa thời lượng để đánh giá kết quả và đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo ông, trong vòng 6 năm tới (tương đường một nhiệm kỳ tổng thống), Nga cần phải giảm 50% tỷ lệ đói nghèo, khi mà trong xã hội Nga hiện có tới 20 triệu người đang phải sống dưới mức chuẩn, với thu nhập chỉ vào khoảng 180 USD/tháng.

Ông cũng đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ này.

Ở phần thứ hai, ông đề cập đến các vấn đề quốc phòng của Nga và nền an ninh quốc tế, trong đó ông tập trung chuyển tải thông điệp về lập trường kiên quyết của Nga trong chính sách đối với phương Tây.

Nhìn chung, bản Thông điệp liên bang năm 2018 đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình Nga hiện tại, đề ra hướng đi chính trong chính sách đối nội và đối ngoại những năm tiếp theo.

Đây cũng được coi là cương lĩnh tranh cử của ông Putin trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 18-3 sắp tới. Và trong suốt gần 2 giờ đồng hồ, bản thông điệp của tổng thống Putin đã nhiều lần nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang trước hai Viện của Quốc hội liên bang. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nước Đức thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng
Truyền thông Đức ngày 4/3 cho biết các đảng viên đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) trên toàn quốc đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, qua đó giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu này thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn năm tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 9/2017.

Theo kết quả bỏ phiếu do ban lãnh đạo đảng SPD công bố sau gần một ngày tiến hành kiểm phiếu, tỷ lệ các đảng viên đảng này ủng hộ việc tái khởi động một chính phủ "đại liên minh" mới với liên đảng CDU/CSU chiếm hơn 66% trong tổng số 463.723 đảng viên đủ tư cách bỏ phiếu.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở đảng SPD ở thủ đô Berlin, Chủ tịch tạm quyền của đảng này, ông Olaf Scholz đã bày tỏ vui mừng trước "quyết định sáng suốt" của các đảng viên, qua đó khẳng định chắc chắn rằng đảng SPD của ông sẽ cùng với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel xúc tiến thành lập chính phủ mới tại Đức.

Chủ tịch tạm quyền đảng SPD, ông Olaf Scholz (phải) phát biểu tại Berlin ngày 4/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
5G dẫn đầu xu hướng công nghệ tại Triển lãm di động thế giới 2018
Từ ngày 26​/2 đến ngày 1​/3, triển lãm di động thế giới (MWC) năm 2018 đã diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Đây là một sự kiện thường niên, bắt đầu từ năm 1987 và do hội liên hiệp Truyền thông di động toàn cầu (GSM) tổ chức.

Không chỉ là sàn diễn của các sản phẩm mới, MWC đã dần trở thành nơi khởi đầu cho công nghệ và xu hướng tương lai.

Năm nay, MWC tiếp tục chứng kiến những bước đột phá, tạo nên những hiệu ứng khổng lồ trên các thiết bị cầm tay nhỏ gọn.

Con người giờ đã có thể chụp ảnh nhiều tiêu cự bằng một chiếc điện thoại dày chưa đầy 1cm, thưởng thức các bộ phim 3D và thậm chí là chơi game không gian ảo ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Một trong những điểm nổi bật thu hút sự chú ý tại MWC năm nay chính là công nghệ di động thế hệ thứ năm - 5G.

Công nghệ thông tin di động 5G được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU-R) phê chuẩn tên gọi chính thức là IMT-2020 (vào năm 2015). Sau nhiều năm nghiên cứu và thiết lập tiêu chuẩn, công nghệ 5G dự kiến sẽ chính thức được triển khai trên thế giới trong năm nay.

Một số thành phố tại châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu sẽ là những nơi đầu tiên được áp dụng công nghệ 5G.

Tại Thế vận hội mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018 vừa tổ chức tại Hàn Quốc, những màn trình diễn và trải nghiệm với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin di động 5G mặc dù mới chỉ là phiên bản sơ khai của 5G, nhưng đã cho thấy một minh chứng rõ nét về tiềm năng của công nghệ này trong việc giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, và kết nối vạn vật.

Các thử nghiệm đã cho phép các chương trình phát sóng HD từ các máy quay trực tiếp trong các cuộc thi trượt tuyết với tốc độ lên đến 150 km/h.

Khu vực bên ngoài sảnh chính của Triển lãm Di động Toàn cầu (MWC) 2018 tại Barcelona ngày 24/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cơ hội hòa giải giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban
Ngày 28/2 đã diễn ra hội nghị quốc tế mang tên “Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul” tại thủ đô Kabul, Afghanistan, với sự tham dự của đại diện hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm tìm ra giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc khủng hoảng kéo dài ở Afghanistan.

Phát biểu tại hội nghị, tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đưa ra đề nghị ngừng bắn trước các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban nhằm chấm dứt 17 năm chiến sự ở quốc gia này.

Ông Ghani cho biết, chính phủ Afghanistan sẵn sàng chấp nhận việc xem xét lại hiến pháp, phóng thích các tù nhân Taliban, xóa tên các thủ lĩnh Taliban khỏi danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như mở văn phòng đại diện của Taliban tại Kabul hoặc ở các thành phố khác của Afghanistan. Đổi lại Taliban phải công nhận chính phủ Afghanistan và tôn trọng nguyên tắc luật pháp.

Trước đó, ngày 14​/2, trong một thông điệp gửi cho Mỹ, Taliban cũng cho biết sẵn sàng tham gia thương lượng để chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, nhấn mạnh tới giải quyết bạo lực tại Afghanistan thông qua đối thoại hòa bình.

Do đó, việc chính phủ Afghanistan đề xuất hòa đàm với Taliban cũng như việc Taliban khẳng định sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan được cho là giải pháp chính trị quan trọng để giải quyết bất ổn tại quốc gia Tây Nam Á này.

Tuy nhiên vẫn còn có khá nhiều ý kiến lo ngại về triển vọng của tiến trình này bởi thời gian qua, Taliban vẫn liên tục tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường Afghanistan khiến cho tiến trình hòa bình trở nên vô cùng mong manh.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mỹ kiên quyết điều chỉnh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu
Bất chấp những phản ứng của dư luận quốc tế và những quan ngại về một cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng thuế đối với hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 4/3, Tổng thống Mỹ viết: "Chúng ta đang bị thua thiệt trong tất cả các thỏa thuận thương mại và Mỹ đã bị lợi dụng trong nhiều năm. Ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ đang dần chết. Đã lến lúc phải thay đổi."

Bình luận về tuyên bố trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Tổng thống Trump đã có các cuộc trao đổi về chính sách thuế của Mỹ với lãnh đạo các cấp của nhiều nước.

Hiện Tổng thống Trump chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi ý định. Ông cho biết dự kiến trong tuần này, Tổng thống Trump sẽ công bố quyết định sau cùng.

Sản phẩm nhôm cuộn được sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nestle bị cáo buộc thông tin sai về sản phẩm bột dinh dưỡng Milo
Tập đoàn thực phẩm nổi tiếng thế giới Nestle của Thụy Điển mới đây đã quyết định gỡ bỏ mức xếp hạng 4,5/5 sao (hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm tốt cho sức khỏe) của sản phẩm bột dinh dưỡng Milo, do bị cáo buộc đã gây “nhầm lẫn” cho khách hàng về định hướng sản phẩm.

Các chuyên gia về sức khỏe Australia cho biết Nestle đã cố tình tạo ra sự sai lệch thông tin đối với khách hàng, khi đánh giá sản phẩm dựa trên tiêu chuẩn giả định mỗi cốc Milo sẽ được người tiêu dùng sử dụng với thành phần gồm 3 thìa bột Milo và 200ml sữa tách béo.

Bà Katinka Day, lãnh đạo Tổ chức đánh giá sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng Choice tại Australia, cho biết: “Hầu hết người tiêu dùng không pha bột Milo cùng với sữa tách béo... Một số khác thậm chí sử dụng sản phẩm này với sữa tươi nguyên kem, kem và uống trực tiếp."

Thực tế, Milo là một loại thức uống lúa mạch, có hương vị chocolate và chứa tới 46% đường. Sản phẩm này, theo các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá, chỉ đạt mức 1,5 sao thay vì 4,5 sao. Việc đưa nhãn mác với tiêu chuẩn xếp hạng cao sẽ khiến ngươi tiêu dùng lầm tưởng về sản phẩm và sử dụng sai mục đích.

(Nguồn: Marketing Interactive)
Bước lùi mới trong quan hệ Mỹ-Cuba
Ngày 2/3, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ tiếp tục duy trì số nhân viên tối thiếu tại Đại sứ quán nước này tại Cuba từ ngày 5/3, sau khi hết thời hạn của lệnh di dời tạm thời 60% cán bộ nhân viên và toàn bộ thân nhân ngày 29/9 vừa qua để làm rõ cái mà Washington ban đầu gọi là “tấn công sóng âm.”

Đáng chú ý, thông cáo của Washington thừa nhận quyết định trên được đưa bất chấp việc “vẫn chưa có một câu trả lời dứt khoát về nguyên nhân cuộc các cuộc tấn công.”

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng Một năm nay, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận không chắc chắn về nguyên nhân các sự việc gây tổn hại sức khỏe cho cán bộ ngoại giao Mỹ tại Cuba.

Cũng theo thông cáo trên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn không cho phép bất kỳ thân nhân nào của các cán bộ ngoại giao cư trú tại La Habana.

Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, Cuba ngày 3/10/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục