'Sự ra đi' của John Bolton có làm đảo lộn chính sách của Mỹ?

Việc ông Bolton mất chức có tác động đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hay không đã trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận.
Tổng Thống Mỹ Donald Trump ngày 10/9 tuyên bố cách chức Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Ngày 10/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bị sa thải. Cố vấn an ninh quốc gia là chức vụ rất quan trọng ở Nhà Trắng.

Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang rất quyết liệt, kèm theo đó là phong trào biểu tình ở Hong Kong ngày một leo thang căng thẳng, việc ông Bolton mất chức có tác động đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nói chung và Hong Kong nói riêng hay không đã trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn thông tin đăng tải trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 10/9, người đứng đầu Nhà Trắng đã chính thức sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, nguyên nhân là do ông Trump bất đồng mạnh mẽ với nhiều đề xuất của ông Bolton.

[Chính quyền Mỹ cân nhắc ông Pompeo kiêm nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia]

Sự ra đi của ông Bolton không chỉ cho thấy quan điểm “Nước Mỹ ở mọi nơi” của ông Bolton xung đột với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, mà còn là một chỉ dấu quan trọng về quyền lực đối ngoại của ông Trump.

Vì thế, vụ sa thải ông Bolton khó có thể trở thành bước chuyển ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và Hong Kong.

Thứ nhất, việc ông Bolton mất chức Cố vấn An ninh quốc gia không liên quan đến chính sách Trung Quốc của Mỹ. Những thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng được truyền thông Mỹ đăng tải cho thấy phong cách làm việc của ông Bolton hoàn toàn không ăn nhập với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Có lúc ông Bolton “vượt quyền,” xâm phạm chức trách của người đứng đầu ngành ngoại giao là ông Pompeo.

Trên thực tế, hồi tháng 5 vừa qua, hãng tin CNN từng dẫn bốn nguồn thạo tin cho biết ông Bolton thường xuyên tranh giành ảnh hưởng với ông Pompeo trong hàng loạt vấn đề quốc tế như Iran, Triều Tiên, Venezuela...

Tình trạng này khiến quan hệ căng thẳng giữa hai người ngày một nghiêm trọng. Thậm chí, nếu có ai đó đề cập tới ông Bolton, ông Pompeo thường đảo mắt đi chỗ khác.

Thứ hai, ông Bolton không trực tiếp tham gia đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tới nay, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt quá phạm vi thương mại, lan sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, tài chính tiền tệ, cạnh tranh địa chính trị, thậm chí là quân sự.

Tuy nhiên, trọng điểm vẫn là chiến tranh thương mại, và người giữ vai trò chủ đạo trên phương diện này là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Trong đó, ông Lighthizer thuộc phái cứng rắn đối với Trung Quốc. Ngược lại, ông Bolton không trực tiếp can dự vào vấn đề kinh tế thương mại Mỹ-Trung. Vì thế, khó có thể nhìn thấy khả năng quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung trở nên hòa hoãn sau vụ việc ông Bolton mất chức cố vấn an ninh quốc gia.

Thứ ba, ông Bolton không phải là người duy nhất chỉ đạo chính sách Trung Quốc ở Nhà Trắng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump mới là người trực tiếp chỉ đạo chính sách Trung Quốc. Hơn nữa, xung quanh ông Trump, ngoài ông Bolton còn có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Ngoại trưởng Pompeo cùng các cố vấn cao cấp khác như Ivanka Trump (con gái ông Trump), Jared Kushner (con rể ông Trump).

Bên cạnh đó, có một số động thái cho thấy ông Pence thậm chí có quyền hạn và chức năng hoạch định chính sách đối với Trung Quốc lớn hơn ông Bolton. Ví dụ, bài phát biểu của ông Pence về Trung Quốc tại Viện Hudson ở Washington ngày 4/10/2018 được nhìn nhận như tuyên bố “đấu tranh toàn diện” với Trung Quốc của Nhà Trắng. Cho nên, sự ra đi của ông Bolton sẽ không ảnh hưởng lớn tới phương hướng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Thứ tư, Nhà Trắng muốn sử dụng vấn đề Hong Kong để kiềm chế Trung Quốc, nhưng vai trò của ông Bolton trong việc này không nổi bật. Khi phong trào phản đối Dự luật dẫn độ lan rộng và leo thang căng thẳng ở Hong Kong, vào trung tuần tháng 7/2019, ông Bolton gặp nhà tài phiệt Hong Kong Jimmy Lai, người sáng lập tập đoàn truyền thông Next Digital sở hữu tờ Bình quả có quan điểm chống Trung Quốc.

Sau đó hơn một tháng, khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 15/8, ông Bolton cảnh báo Trung Quốc phải cẩn thận với những bước đi của mình, không được lặp lại sự kiện Thiên An Môn.

Vấn đề ở chỗ các quan chức Nhà Trắng gặp gỡ đại diện phe dân chủ mở rộng của Hong Kong còn có ông Pence, ông Pompeo. Điều này cho thấy sự ra đi của ông Bolton không ảnh hưởng tới chính sách của Nhà Trắng đối với Hong Kong.

Hơn nữa, theo tờ Economic Journal, nhân tố sâu xa nhất ảnh hưởng tới tình hình Hong Kong hiện nay là việc Quốc hội Mỹ xem xét Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, chứ không phải ý chí cá nhân của ông Bolton./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục