Sự thay đổi chính trị ở Malaysia báo trước một kỷ nguyên lạc quan?

Chính phủ liên minh giữa Đảng Pakatan Harapan và Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề của Malaysia, mà vấn đề phân cực về sắc tộc là vấn đề nổi bật nhất.
Tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, xã hội và chính trị của Malaysia được đánh dấu bởi sự phân cực về chủng tộc và tôn giáo.

Các đảng phái chính trị đã thường xuyên khai thác điều này cho các mục đích của họ, dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và thất bại của các chính phủ.

Tuy nhiên, việc ông Anwar Ibrahim lên nắm quyền đã mang niềm hy vọng lạc quan về môi trường chính trị và xã hội của Malaysia.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15, không có đảng nào chiếm đa số để thành lập một chính phủ mới.

Đảng Pakatan Harapan của ông Anwar Ibrahim đã dẫn đầu với 82 ghế nhưng thiếu 30 ghế để chiếm đa số.

Cuối cùng họ đã được hỗ trợ bởi Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) để thành lập một chính phủ liên minh sau khi được Quốc vương Al-Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shad lựa chọn.

Chính phủ liên minh sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề của Malaysia, mà vấn đề phân cực về sắc tộc là vấn đề nổi bật nhất.

Bối cảnh chính trị-xã hội Malaysia

Malaysia đã chứng kiến sự chia rẽ nghiêm trọng do các tham vọng xã hội và chính trị của cả những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người theo đạo Hồi.

Nền dân chủ của nước này đã bị hạn chế trong nhiều thập kỷ bởi những bất công do tư tưởng bè phái về chủng tộc và tôn giáo.

Những người dân tộc thiểu số Mã Lai, chủ yếu theo đạo Hồi, chiếm khoảng 70% dân số gần 33 triệu người.

Người gốc Hoa chiếm 23% và người gốc Ấn Độ chiếm 7%. Cấu trúc đa văn hóa của xã hội Malaysia là nền tảng chính cho sự vận động chính trị.

Với sự đa tôn giáo và đa sắc tộc của Pakatan Harapan, nhiều người đã tin rằng những căng thẳng về chủng tộc và tôn giáo sẽ giảm bớt khi đảng này bất ngờ đánh bại liên minh Barisan Nasional (do UMNO dẫn dắt) trong cuộc bầu cử năm 2018, chấm dứt 60 năm cầm quyền của liên minh này.

Tuy nhiên, sự lãnh đạo của ông Mahathir Mohamad đã không mang lại bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với các điều kiện chủng tộc và tôn giáo trong nước.

Chính trị dựa trên chủng tộc

Trong những năm gần đây, Malaysia đã chứng kiến sự gia tăng phân cực về các vấn đề liên quan đến chủng tộc và tôn giáo.

Trước đó, một cuộc biểu tình phản đối Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) đã diễn ra ở Malaysia vào năm 2018.

Kết quả là chính phủ đã quyết định không thông qua công ước này của Liên hợp quốc. Cả UMNO và Đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) đều phản đối kế hoạch này, cho rằng nó sẽ gây tổn hại đến quyền của đa số người dân Mã Lai.

Mặc dù 36 số ghế của Pakatan Harapan trong liên minh đảng của ông Anwar có thể đủ để thành lập một chính phủ, nhưng nó cũng cho thấy tính áp đảo của các vấn đề chủng tộc và tôn giáo.

Báo cáo về phân biệt đối xử do trung tâm Pusat KOMAS công bố đã chỉ ra rằng chính trị chủng tộc và tôn giáo chiếm tỷ lệ phân biệt đối xử lớn nhất (28%), trong khi khiêu khích chủng tộc và tôn giáo chiếm 23%, phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực giáo dục chiếm 11%, phân biệt chủng tộc trong các lĩnh vực khác chiếm 11%, phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực kinh doanh chiếm 6%, bài ngoại chiếm 13% và phân biệt chủng tộc trên truyền thông và Internet chiếm 8%.

Sự thống trị của các vấn đề liên quan đến chủng tộc và tôn giáo có thể được thấy qua chiến thắng của Đảng PAS bảo thủ, đảng đã giành được 49/222 ghế và nổi lên như một đảng duy nhất lớn nhất.

Lý do để lạc quan

Giờ đây, khi Pakatan Harapan đang cầm quyền dưới sự lãnh đạo của ông Ibrahim Anwar, mối quan tâm chính của ông sẽ là đối phó với những người Hồi giáo và xử lý các vấn đề liên quan đến chủng tộc một cách thận trọng.

Sau cuộc bầu cử, Anwar đã nhấn mạnh tham vọng thành lập một chính quyền quyền lực tập trung vào nền kinh tế Malaysia và “hòa nhập hơn về các vấn đề chủng tộc, tôn giáo hoặc khu vực.”

Ngay cả khi sự phân chia về kinh tế, xã hội và chính trị vẫn còn, sự xuất hiện của Anwar Ibrahim báo trước một kỷ nguyên lạc quan và thay đổi mới - miễn là ông không bị cuốn vào chính trị chủng tộc.

Ý nghĩa đối với khu vực và Ấn Độ

Mặc dù đây là lần đầu tiên ông Anwar đảm nhận chức vụ Thủ tướng Malaysia, nhưng ông đã nắm giữ các vị trí cao hơn trong chính trường Malaysia trong nhiều thập kỷ và thường bày tỏ quan điểm của mình về chính trị quốc tế và các vấn đề đối ngoại.

Các cuộc phỏng vấn gần đây của ông Anwar cho thấy rất có thể sẽ có một sự tiếp tục đáng kể trong chính sách đối ngoại của chính phủ ông.

Ông Anwar đã chỉ ra rằng ông sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại trung lập và không liên kết đối với các tranh chấp Mỹ-Trung và sẽ kiềm chế quân sự hóa ở các vùng biển tranh chấp, bên cạnh việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương.

Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc-Malaysia vẫn tiếp tục mạnh mẽ, với thương mại bùng nổ và tăng cường quan hệ song phương và hợp tác quân sự.

Malaysia có ý nghĩa quan trọng đối với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ cũng như đối với các mối quan tâm song phương rộng lớn hơn về kinh tế, quốc phòng và các vấn đề song phương khác.

Cả hai nước có một lịch sử lâu dài về tình hữu nghị và các mối quan hệ thân thiết. Người gốc Ấn Độ (PIO) là một trong những cộng đồng lớn nhất thế giới ở Malaysia, chiếm 8% tổng dân số (2 triệu người).

Ấn Độ và Malaysia hợp tác để bảo vệ tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, bên cạnh việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác trong các nỗ lực chống khủng bố trong khu vực.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây quan hệ giữa hai nước dường như đã xấu đi phần nào do những nhận xét của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad về Kashmir và các vấn đề trong nước khác của Ấn Độ.

Ngoài ra, việc cấp quyền thường trú cho nhà truyền giáo Zakir Naik ở Malaysia đã làm rạn nứt hơn nữa mối quan hệ.

Ông Anwar Ibrahim dự kiến sẽ hợp tác với Ấn Độ nhiều hơn so với những người tiền nhiệm của ông và có khả năng sẽ thân thiện với các mục tiêu địa kinh tế và địa chính trị của Ấn Độ.

Ông không chỉ có quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Narendra Modi mà còn khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ với tư cách là đối tác chiến lược quan trọng bên cạnh Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Âu.

Mặc dù vẫn còn phải xem xét tác động lâu dài của cuộc bầu cử, nhưng triển vọng dưới sự cai trị của ông Anwar Ibrahim có vẻ tương đối thuận lợi, không chỉ đối với chính trị trong nước mà còn đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại và ổn định khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục