Sự xuống cấp trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu

Do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế là xung đột khiến các nước châu Âu xích lại gần Washington, đồng thời làm gia tăng sự chia rẽ giữa Brussels và Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-EU lần thứ 23 diễn ra trực tuyến, ngày 1/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng japantimes.co.jp, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tháng này vốn từng được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc họp đã trở thành một cuộc trao đổi quan điểm đối lập, làm nổi bật những khác biệt giữa hai bên.

Chủ đề được đưa ra là xung đột Nga-Ukraine, trong đó Brussels hối thúc Bắc Kinh thể hiện lập trường rõ ràng về cuộc chiến, tận dụng "tầm ảnh hưởng đáng kể" của mình đối với Moskva để nhanh chóng thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ không hỗ trợ quân sự và giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế.

Sau hội nghị trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu: “Đã có tổng cộng hơn 40 quốc gia tham gia các lệnh trừng phạt này. Vì vậy, chúng tôi đã tuyên bố rất rõ rằng nếu không ủng hộ, ít nhất Trung Quốc cũng không nên can thiệp vào các lệnh trừng phạt của chúng tôi,” đồng thời cảnh báo rằng mọi động thái của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ Moskva về quân sự đều sẽ dẫn đến một “tổn thất lớn về danh tiếng cho Trung Quốc.”

Bà von der Leyen nói thêm rằng một động thái như vậy có thể dẫn đến một “cuộc di cư” của các công ty quốc tế khỏi Trung Quốc, điều đang xảy ra ở Nga. Bà cảnh báo: “Mỗi ngày, Trung Quốc và EU giao dịch gần 2 tỷ euro hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, thương mại giữa Trung Quốc và Nga chỉ đạt khoảng 330 triệu euro mỗi ngày. Vì vậy, việc chiến tranh kéo dài và những gián đoạn mà nó gây ra cho nền kinh tế thế giới sẽ không có lợi cho ai cả, chắc chắn Trung Quốc cũng không.”

“Những kẻ điếc”

Cảnh báo của Chủ tịch EC được đưa ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” với Moskva, cũng như thể hiện lập trường không rõ ràng về cuộc xâm lược của Nga.

Một mặt, Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về cuộc chiến. Trung Quốc cũng đã và đang trợ nhân đạo cho Ukraine, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Moskva và Kiev, đồng thời nhắc lại niềm tin rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước đều cần được bảo vệ.

Mặt khác, Bắc Kinh tăng cường quan hệ thương mại, năng lượng và an ninh chặt chẽ hơn với Moskva, vì hai bên ngày càng đồng thuận về các vấn đề địa chính trị trong những năm gần đây.

[Trung Quốc-EU thúc đẩy hợp tác trong một thế giới bất ổn]

Mặc dù chưa từng ủng hộ cuộc chiến, song Bắc Kinh đã nhiều lần đề nghị các yêu cầu an ninh “hợp pháp” của Nga phải được “giải quyết một cách nghiêm túc và đúng đắn” trong bối cảnh NATO đang bành trướng về phía Đông.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình "theo cách riêng," trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục châu Âu hình thành nhận thức của riêng mình về Trung Quốc, đồng thời áp dụng chính sách Trung Quốc "độc lập" - ngầm chỉ trích sự tương đồng về chính sách đối ngoại giữa EU và Mỹ.

Việc Bắc Kinh thiếu những đảm bảo về vấn đề Ukraine đã khiến Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU - mô tả hội nghị thượng đỉnh lần này là “một cuộc đối thoại giữa những kẻ điếc.”

Ông nói: “Trung Quốc muốn gạt bỏ những khác biệt của chúng tôi về Ukraine - họ không muốn nói về Ukraine. Họ không muốn nói về nhân quyền và các vấn đề khác, thay vào đó tập trung vào những điều tích cực. Phía châu Âu nêu rõ rằng ‘sự né tránh’ này là không khả thi, không thể chấp nhận được.”

Chia rẽ chính trị gia tăng

Sự chia rẽ giữa Brussels và Bắc Kinh, vốn gia tăng từ lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine, đã trở nên rõ ràng khi bà von der Leyen khẳng định hai bên có rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong một số vấn đề song phương.

Các vấn đề chính bao gồm những hạn chế thương mại bất hợp pháp của Trung Quốc áp đặt lên Litva sau khi nước này thắt chặt quan hệ với Đài Loan, các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với các thành viên Nghị viện châu Âu, mối quan tâm của EU về quyền con người và lao động ở một số vùng của Trung Quốc và những khó khăn mà các công ty châu Âu phải đối mặt trong việc tiếp cận và hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Những bất đồng này là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Trung Quốc-EU không còn là “mối quan hệ công việc” như trước. Chúng cũng cho thấy mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa hai bên, ít nhất là về mặt chính trị, đang trên đà sa sút trong vài năm gần đây.

Một trong những thay đổi quan trọng trong quan hệ song phương diễn ra vào tháng 3/2019 khi Brussels thể hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh vì những lý do tương tự của Mỹ, trong đó có một số chính sách kinh tế và chính trị của Trung Quốc thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - vốn đã mở rộng sang nhiều khu vực ở châu Âu - cũng như lo ngại về các hoạt động thương mại của Bắc Kinh và sự quyết đoán ngày càng tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điều này dẫn đến việc Brussels lần đầu tiên đề cập đến Trung Quốc không chỉ với tư cách đối tác đàm phán, mà còn là một “đối thủ cạnh tranh kinh tế nhằm dẫn đầu về công nghệ và là một đối thủ trong việc thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế.”

Giáo sư Li Xing, chuyên gia về phát triển và quan hệ quốc tế tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch, cho biết quan hệ Trung Quốc-EU đã dần xấu đi kể từ khi EU đình chỉ Hiệp định Toàn diện về Đầu tư với Trung Quốc vào tháng 5/2021 do cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong và vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Việc đình chỉ hiệp định đã khiến hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Ông cũng đồng ý với quan điểm cho rằng việc phương Tây coi Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại - một cường quốc ngày càng thân thiết với Nga - đang buộc châu Âu điều chỉnh chính sách đối với quốc gia Đông Á này.

Quan điểm của Trung Quốc

Vậy Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ của họ với châu Âu như thế nào? Theo Una Berzina-Cerenkova, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Riga Stradins ở Latvia, Bắc Kinh tin rằng EU đang nắm bắt các tín hiệu về chính sách đối ngoại từ Washington.

Bà nói: “Trung Quốc giải thích điều này bằng sự phụ thuộc an ninh của châu Âu vào Washington trong NATO. Bắc Kinh đề cao ý tưởng về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu chính bởi vì điều này nghĩa là châu Âu sẽ bớt phụ thuộc vào liên minh xuyên Đại Tây Dương, do đó sẽ bớt chỉ trích và thắt chặt quan hệ hơn với Trung Quốc.”

Tuy nhiên, bà Berzina-Cerenkova cho rằng thực tế không đơn giản như vậy, bởi các chính sách của châu Âu chủ yếu là kết quả từ những bất bình của các nước và khu vực đối với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, bà nói thêm rằng Brussels đã bắt đầu thảo luận về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, trong đó EU lập luận rằng hiện không phải thời điểm phù hợp để rời bỏ mối quan hệ chặt chẽ với Washington.

Giáo sư Li Xing lưu ý đây là lý do tại sao Bắc Kinh không tin rằng EU đang hoàn toàn độc lập trong các vấn đề địa chính trị quan trọng. Ông nói: “Giới tinh hoa Trung Quốc tin rằng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, Brussels chắc chắn sẽ đứng về phía Washington.”

Do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế là cuộc xung đột đang khiến các nước châu Âu xích lại gần Washington, đồng thời làm gia tăng sự chia rẽ giữa Brussels và Bắc Kinh.

Thiết lập “lằn ranh đỏ”

Bất chấp việc ngày càng có nhiều quan điểm đối lập, đến nay, cả Trung Quốc và EU đều không muốn để quan hệ song phương suy giảm mạnh. Sau cùng, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Đồng thời, tham vọng của Trung Quốc đối với các thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao trong giai đoạn kinh tế trì trệ này. Bắc Kinh đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay, trong bối cảnh thị trường bất động sản lao dốc và dân số giảm, do đó khó có thể làm căng thẳng thêm quan hệ với Brussels. Hai bên đều sẽ mất rất nhiều thứ nếu quan hệ đổ vỡ.

Tuy nhiên, EU có thể đã thiết lập một “lằn ranh đỏ” với cảnh báo gần đây về Ukraine. Janka Oertel - Giám đốc Chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu - cho biết: “Tương lai của quan hệ EU-Trung Quốc sẽ được xác định rõ ràng thông qua cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine... Nếu Trung Quốc công khai làm suy yếu cơ chế trừng phạt đã được áp đặt, sẽ có những hậu quả kèm theo. Điều này có lẽ đang rõ ràng hơn bao giờ hết”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục