Sức sống mới đang lan tỏa trên “hòn đảo tự do” Cuba

Đến Cuba những ngày Xuân giữa tháng Ba này, bất cứ ai cũng cảm thấy được sức sống mới đang lan tỏa trên “hòn đảo tự do.”
Một góc thủ đô La Habana của Cuba. (Nguồn: tualquilerencuba.com)

Đến Cuba những ngày Xuân giữa tháng Ba này, bất cứ ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng và thu hút bởi một màu xanh dịu mát trong tiết trời ấm áp, nắng đẹp phủ lên hòn đảo đang từng ngày “thay da đổi thịt” giữa vùng biển Caribe yên bình lặng sóng.

Cuba đang đổi mới từng ngày

Hàng ngày, những chiếc máy bay Boeing 747 đồ sộ của Hàng không Pháp có khả năng vận chuyển tới 500 hành khách bay tới La Habana, chở phần lớn khách du lịch đến từ các nước châu Âu.

Du khách châu Âu và nhiều nước khác mùa này đang đổ dồn về vùng Trung Mỹ và Caribe, trong đó có Cuba, để tránh cái lạnh cuối mùa Đông của phương Bắc và tận hưởng những ngày nắng ấm trên các bãi biển nổi tiếng như Varadero (Cuba).

Hôm đến sân bay quốc tế Jose Marti một ngày giữa tháng Ba vừa qua, người viết chứng kiến có tới 5 chuyến bay từ các hướng cùng xuống phi trường, lượng hành khách tập trung đông, trong lúc nhà ga T3 lại đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp.

Nhà ga này khai trương từ năm 1998, nay đang được đầu tư hơn 10 triệu USD để chỉnh trang, mở rộng khu vực làm thủ tục đi đến; đổi mới, hiện đại hóa hệ thống điều hòa nhiệt độ và hệ thống băng chuyền hành lý cũng như các thiết bị thông tin liên lạc nhằm cải thiện các khâu phục vụ hành khách tốt hơn.

Trong những năm qua, hệ thống đường sá từ sân bay về trung tâm thủ đô không ngừng được cải tạo và làm mới, mặt đường tốt hơn, các đường giao cắt, cầu vượt được tổ chức hợp lý nên hầu như không có cảnh ùn tắc trên trục đường này.

Anh Jesus Hernandez, một người bạn cũ của tôi ở Cuba, vốn cũng là nhà báo, cho biết thêm, Cuba đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp khu cảng biển La Habana thành khu cảng dành riêng cho du lịch, có khả năng tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tầu du lịch cỡ lớn qua lại vùng này.

Khu cảng phục vụ tầu vận tải hàng hóa sẽ được chuyển về cảng Mariel cách trung tâm thủ đô chừng 45km về phía tây. Tại đây, Chính phủ Cuba đã quyết định kêu gọi đầu tư nước ngoài và cho xây dựng một khu phát triển kinh tế đặc biệt rộng 465km2. Đây là một bước đi đột phá trong quá trình cải cách, mở cửa ở Cuba.

Khu cầu cảng container, giai đoạn một Khu phát triển đặc biệt Mariel trong ngày khánh thành, tháng 1/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các thông tin chính thức, các công ty nước ngoài sẽ được khuyến khích đầu tư, ưu đãi về thuế quan.

Một luật đầu tư nước ngoài mới đã được soạn thảo, được cho là có những điều khoản cởi mở hơn nhằm tạo điều kiện ưu tiên đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Cuba.

Ai đó có thể thông qua một vài hiện tượng để đưa ra nhận xét về cái gọi là nhịp sống chậm ở hòn đảo này, nhưng tôi nghĩ có lẽ không phải vậy, nếu ta đi sâu xem xét kỹ hơn những vấn đề của Cuba và nhìn nhận thực chất những nỗ lực mà Nhà nước và nhân dân Cuba đang tiến hành nhằm mục tiêu đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường đã chọn.

Kể từ khi cách mạng thành công năm 1959 đến nay, Cuba với số dân trên 10 triệu người, đã đào tạo được 78.000 bác sỹ và 96.000 y tá. Hệ thống y tế và trường y dược phát triển, hiện đại hóa với hơn 300 bệnh viện và 12 viện nghiên cứu, nhiều trung tâm dưỡng lão và hơn 20 trường đại học y khoa.

Cuba còn là một trong những nước có số lượng bác sỹ tham gia các chương trình hợp tác với nước ngoài nhiều nhất với trên 40.000 người, tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Tuổi thọ trung bình 78 tuổi và tỷ lệ tử vong ở trẻ em 0,42 % đã đặt Cuba vào nhóm các nước dẫn đầu thế giới về các chỉ số này trong nhiều năm qua.

Về giáo dục, Cuba là một trong số ít nước thực hiện được việc tạo điều kiện cho mọi trẻ em được đến trường và áp dụng giáo dục miễn phí từ bậc phổ thông cho tới đại học. Cuba được UNESCO xếp thư 14 trên thế giới về chỉ số phát triển giao dục cho mọi người và công nhận nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã được Cuba hoàn thành trước thời hạn.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách mới đã được Chính phủ Cuba ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên cơ sở lộ trình cập nhật mô hình kinh tế nhằm tạo ra những thay đổi cần thiết giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Năm 2013, vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn do chính sách cấm vận của Mỹ gây ra, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Cuba vấn đạt được mức 2,7%.

Ở Cuba, doanh nghiệp nhà nước vẫn là trụ cột của hệ thống kinh tế, nhưng ngày nay không gian hoạt động của các hình thức sở hữu khác cũng đã được mở ra dần dần. Gần 500.000 người đã tham gia vào các hình thức kinh tế tự doanh, tạo ra thị trường có thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.

Bộ luật lao động mới đã bổ sung thành phần kinh tế tự doanh và điều chỉnh lại những quy định về quan hệ giữa cấp quản lý và người lao động cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Chính sách phát triển nông nghiệp tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ theo tinh thần chú trọng cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sản xuất trong nước, thay thế dần nguồn lương thực, thực phẩm nhập khẩu đang tiêu tốn gần 2 tỷ USD hàng năm.

Mối quan hệ hợp tác với Việt Nam

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Cuba đã xúc tiến các dự án nghiên cứu và phát triển sản xuất lúa, ngô, đậu tương và nuôi trong thủy sản.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2017, Cuba sẽ đầu tư khoảng nửa tỷ USD cho các chương trình trên, phấn đấu tự túc được 80% nhu cầu lương thực thực phẩm, tiến tới chủ động trong bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao mức sống người dân.

Trong những tháng cuối năm 2012 và 2013, người viết bài này đã có dịp đến nhiều vùng sản xuất lúa gạo và ngô, đậu tương ở Cuba, tận mắt chứng kiến những nỗ lực và sự hợp tác của các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam bên cạnh cán bộ và những người dân Cuba quyết tâm hoàn thành tốt các chương trình, dự án đề ra.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba Gustavo Rodriguez trong buổi làm việc với các nhà khoa học của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định: “Với sự hợp tác và hỗ trợ của phía Việt Nam, chúng tôi quyết tâm phấn đấu trong một tương lai không xa đạt được mức sản lượng 600.000 tấn lúa, căn bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân, đồng thời đẩy mạnh chương trình hợp tác phát triển ngô, đậu tương, tiến tới mở rộng sang lĩnh vực sản xuất càphê là ngành Việt Nam đang có thế mạnh...

Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực của Cuba. Đó chính là biểu hiện cụ thể của truyền thống đoàn kết và tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc chúng ta”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục