Tác nghiệp an toàn tại 'điểm nóng' thiên tai dải đất miền Trung

Cùng với người dân nơi đây, đội ngũ báo chí ở miền Trung luôn sẵn sàng dấn thân, lăn xả mỗi khi thiên tai ập đến, để có những dòng tin, bức ảnh kịp thời chuyển tải đến công chúng.
Phóng viên Hạnh Nguyên, báo Đại Đoàn Kết, trong lần tác nghiệp đưa tin về mưa lũ tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Dải đất miền Trung hầu như năm nào cũng phải lo “gánh gồng” chuyện nắng hạn, mưa lũ, thiên tai.

Cùng với người dân nơi đây, đội ngũ báo chí trên địa bàn cũng luôn sẵn sàng dấn thân, lăn xả mỗi khi thiên tai ập đến, để có những dòng tin, bức ảnh kịp thời chuyển tải đến công chúng.

Dấn thân để sẻ chia

Với Hà Tĩnh, mảnh đất được coi là “chảo lửa, túi mưa” thì thiên tai lại càng khắc nghiệt. Cũng giống như người dân nơi đây, đội ngũ báo chí ở Hà Tĩnh luôn phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để tác nghiệp.

Ngay khi có thông báo về tình hình mưa bão, anh em phóng viên báo chí tại địa bàn đều sẵn sàng về mọi mặt, đặc biệt là phương tiện tác nghiệp như: điện thoại, 3G, máy tính, máy ảnh, máy quay phim… được sạc pin đầy đủ.

Bên cạnh đó, những thứ không thể thiếu khi đi tác nghiệp mưa bão là áo mưa, túi nylon để bảo vệ máy và không quên nhét vào ba lô vài chiếc bánh, chai nước...

Dấn thân vào vùng “tâm bão” đối với phóng viên thường trú đã vất vả thì với nữ phóng viên không còn “son rỗi” lại càng khó khăn hơn. Nhiều nữ phóng viên thường trú đang có con nhỏ, thế nhưng, khi nhận được lệnh “đi ngay, lũ lụt đang lên nhanh lắm…” họ đều sẵn sàng lên đường.

Nhà báo Hạnh Nguyên, phóng viên thường trú báo Đại Đoàn Kết tại Hà Tĩnh, trải lòng: “Mỗi lần đi công tác tại các “điểm nóng” thiên tai, xa nhà là lại thương con lắm. Nhưng cũng phải gạt nước mắt sang một bên mà lên đường thôi. Nghề của mình mà!…”

Con đường từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh lên vùng lũ Hương Khê đã xa (khoảng 60km), để đến được những vùng “rốn lũ” như Phương Mỹ, Phương Điền, phải thuê thuyền nhỏ của dân, đi vào mất hàng tiếng đồng hồ, may mắn hơn thì gặp được xuồng máy của lực lượng vũ trang.

Chòng chành trên những con thuyền, mọi hiểm nguy đều có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bao nhiêu lo lắng giờ không chỉ dành cho bản thân, mà còn dành cho máy quay, máy ảnh, máy tính và các phụ kiện hỗ trợ tác nghiệp.

Thế nhưng, khi đến nơi, nhìn hình ảnh những ngôi nhà ngập lên tới nóc; những đôi bàn tay chới với giơ ra đón nhận hàng cứu trợ; những cụ già, em nhỏ run rẩy ngồi trên nóc nhà giữa mênh mông biển nước, mọi vất vả như đều tan biến.

Lúc này, chúng tôi, những người làm báo, hiểu rằng nhiệm vụ của mình là phải làm sao để có những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất về những đau thương mà người dân vùng lũ đang phải chịu đựng, chuyển tới bạn đọc, để cả nước cùng chia sẻ với họ.

[Báo chí cần thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới]

Nhà báo Ngô Anh Tuấn, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ sau mỗi chuyến đi về với người dân vùng “tâm bão,” ngoài việc chuyển tải thông tin nhanh, chính xác về tòa soạn, thì trăn trở nhất đối với những phóng viên địa bàn như chúng tôi là chuyển tải được những thông điệp “đắt giá” về những mất mát, đau thương mà người dân vùng “tâm lũ” đang phải gánh chịu. Không có niềm vui nào lớn lao hơn là khi mỗi bài viết của mình trở thành “cầu nối” để bạn đọc chia sẻ với người dân, giúp họ sớm vượt qua tai ương.

Tác nghiệp an toàn tại “điểm nóng” thiên tai

Tác nghiệp tại địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng thì kỹ năng tác nghiệp an toàn là rất quan trọng.

Phóng viên vùng lũ biết bơi sẽ là một lợi thế, bên cạnh đó cần phải trang bị cho mình trang phục bảo hộ cần thiết như áo phao. Khi vào đưa tin ở vùng nguy hiểm, nhất thiết phải đi cùng nhóm để có sự hỗ trợ lẫn nhau, nếu có được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng như bộ đội, công an… đi cùng sẽ an toàn nhất.

Các nhà báo, phóng viên trên địa bàn Hà Tĩnh trong chuyến về tác nghiệp tại vùng 'rốn lũ' Phương Mỹ, Phương Điền (huyện Hương Khê). (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Tác nghiệp tại "sân nhà," Báo Hà Tĩnh là đơn vị có đội ngũ phóng viên đông đảo, thường xuyên bám sát ở hầu hết các sự kiện, điểm nóng trên địa bàn.

Chia sẻ về việc theo đuổi thông tin tại các “điểm nóng” thiên tai, nhà báo Lê Thủy, Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh, cho biết là cơ quan báo chí chủ lực trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Báo Hà Tĩnh có đội ngũ phóng viên trẻ, xông xáo và yêu nghề nên khi trên địa bàn xảy ra các vấn đề nóng về thiên tai, thông tin được chúng tôi triển khai nhanh và đầy đủ.

"Ngay lập tức, Ban Biên tập sẽ chỉ đạo thành lập các tổ xử lý “điểm nóng,” lập group trên Zalo, Facebook bao gồm: lãnh đạo phòng chuyên môn, phóng viên địa bàn, phóng viên phụ trách lĩnh vực…"

"Sau thông tin đầu tiên về sự việc, chúng tôi cập nhật liên tục mọi diễn biến liên quan, theo đuổi đến tận cùng sự việc. Điều kiện tác nghiệp tại các địa bàn xảy ra thiên tai thường rất khó khăn nên Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh cũng luôn động viên anh em phải đảm bảo an toàn cho bản thân khi tác nghiệp," nhà báo Lê Thủy cho biết.

Khác với mùa mưa bão, mùa nắng hạn tại địa bàn miền Trung thường xảy ra từ tháng Năm đến tháng Chín hàng năm.

Nhiệt độ tại những ngày nắng nóng cao điểm thường dao động từ 39 đến 40 độ C, cộng với gió phơn Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh, nên nắng gió miền Trung thường khắc nghiệt nhất. Thế nhưng nhờ làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, trên địa bàn thường ít xảy ra cháy rừng, nếu có thì các vụ cháy cũng nhỏ, trong tầm kiểm soát.

Tháng 6/2019 vừa qua, tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng, thiêu rụi gần 50 hécta rừng phòng hộ. Sau gần mười năm, lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng đến như vậy.

Liên tiếp 4 ngày từ 28/6 đến 1/7, tại khắp các huyện từ Nghi Xuân đến Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, các vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra với diễn biến phức tạp, tái phát nhiều lần... Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tất cả lực lượng cùng với nhân dân gồng mình chống “giặc lửa.”

Phóng viên của Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Hà Tĩnh cùng với đội ngũ báo chí trên địa bàn cũng kịp thời có mặt tại hiện trường vụ cháy, nỗ lực chuyển tải thông tin về đám cháy, các lực lượng tham gia dập lửa đến với bạn đọc một cách sớm nhất.

Nhà báo Nguyễn Công Tường, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Tĩnh, cho biết: "Lợi thế của phóng viên thông tấn là có kỹ năng tác nghiệp cùng lúc nhiều loại hình thông tin. Để có được những hình ảnh kịp thời gửi về Tổng xã, ngoài việc chụp ảnh, phóng viên của chúng tôi còn dùng máy ảnh của mình để quay hình, phỏng vấn lãnh đạo địa phương, lực lượng kiểm lâm ngay tại hiện trường, gửi về Trung tâm truyền hình thông tấn (Vnews). Để đảm bảo thông tin được nhanh chóng nhất, chúng tôi lập một group và chia sẻ thông tin lên đó, phóng viên ở hiện trường chỉ cần đẩy thông tin lên, anh em ở nhà sẽ hỗ trợ trong việc xử lý và gửi tin."

Nhà báo Phạm Đức, Báo Thanh niên thường trú tại Hà Tĩnh, chia sẻ khó khăn nhất khi tác nghiệp cháy rừng tại Hà Tĩnh là các vụ cháy đều xảy ra vào thời điểm giữa đêm, điểm phát cháy lại cách xa thành phố từ 40km đến 60km nên khó có thể tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất. Tại hiện trường, mọi điều kiện để thực hiện việc gửi tin, ảnh, hình về tòa soạn cũng không được thuận lợi.

Khi tiếp cận đám cháy, phóng viên tác nghiệp phải chọn vị trí thuận lợi, có lối thoát khi tình huống xấu xảy ra. Vị trí đứng tác nghiệp nhất thiết phải tránh ngược chiều gió so với đám cháy, phòng lửa cháy lan và khói nóng táp vào người nguy hiểm đến tính mạng.

Các nữ phóng viên thường trú Hà Tĩnh tác nghiệp tại vụ việc cháy rừng. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Theo kinh nghiệm của các phóng viên trên địa bàn, để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp, phóng viên nên đi cùng người dân địa phương hoặc lực lượng chức năng - những người có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống liên quan đến hỏa hoạn.

Trong lần đưa tin về vụ cháy rừng tại huyện Nghi Xuân, tác giả bài viết này (nữ phóng viên Hoàng Ngà, thường trú tại Hà Tĩnh) đã được bác Đậu Văn Tiến, người hùng mở đường băng cản lửa cứu rừng, chia sẻ: "Điều tuyệt đối cần lưu ý khi tham gia công tác chữa cháy rừng là tránh để bản thân bị mất nước, khi bị mất nước sẽ dẫn đến người bị kiệt sức và lả đi; cần phải mang theo nước dự phòng bên mình."

Một mẹo hay mà bác Tiến chia sẻ đó là nên có vài quả chanh cùng một nhúm muối mang theo để phòng khi hết nước, ngậm một lát chanh cùng nhúm muối sẽ giúp bù nước có hiệu quả.

Với đội ngũ báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh, sống ở nơi thiên tai khắc nghiệt, mọi thứ dường như đã dần trở thành kỹ năng và phản xạ tự nhiên. Họ đi, viết, chia sẻ và cảm thấu với những nỗi đau của con người, thiên nhiên nơi thảm họa thiên tai đi qua bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết.

Đoàn kết, lăn xả để có những tác phẩm hay

Đầu tháng 8/2019, tỉnh Thanh Hóa nói chung và các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa phải hứng chịu những đợt mưa lớn và lũ quét lịch sử lớn nhất trong 100 năm qua. Mưa lớn liên tục đã gây ra tình trạng sạt lở đất trên diện rộng, vùi lấp nhiều nhà dân, phòng học, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, sóng điện thoại bị mất… Tổng thiệt hại lên tới 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, suốt một tuần liền, huyện miền núi Quan Sơn bị cô lập hoàn toàn với các địa phương lân cận do hệ thống đường giao thông bị chia cắt. Công tác ứng cứu cũng như cứu trợ cho người dân vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phỏng vấn nhân vật sau vụ cháy rừng ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Sáng 3/8, nhận được thông tin từ cơ sở, có 14 người dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, bị lũ quét và mất tích, phóng viên TTXVN thường trú tại Thanh Hóa đã tìm mọi cách liên lạc với ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Na Mèo để xác minh thông tin và khẩn trương tác nghiệp.

Ngay lập tức, phóng viên Nguyễn Đình Nam được cử lên bản Sa Ná để tiếp tục nắm thông tin, phản ánh công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân…

Các phóng viên còn lại của cơ quan thường trú TTXVN tại Thanh Hóa tiếp tục cập nhật, tổng hợp thông tin mưa lũ, đặc biệt là các thông tin liên quan đến bản Sa Ná. Những dòng tin đầu tiên của TTXVN về trận mưa lũ kinh hoàng ở bản Sa Ná đã nhanh chóng được nhiều cơ quan báo chí đăng tải.

Là người trực tiếp phân công, điều hành 4 anh chị em phóng viên thường trú tại địa bàn thực hiện đợt thông tin phản ánh về mưa lũ khiến 14 người bị mất tích, tác giả bài viết này (Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Thanh Hóa Trịnh Duy Hưng) nhận thấy rõ để có được những thông tin nhanh và đầy đủ về diễn biến sự kiện, tất cả phóng viên cơ quan thường trú phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Trước khi lên bản Sa Ná, phóng viên Nguyễn Đình Nam được căn dặn, nếu cần xử lý thông tin gấp mà trên bản, xã không có điện lưới, thì gọi điện về cơ quan thường trú cung cấp số liệu để anh chị em đồng nghiệp hỗ trợ viết tin, bài, kịp thời gửi về tổng xã, tạo lợi thế cạnh tranh thông tin.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất quan trọng đó là các phóng viên phải lăn xả vào công việc, thay nhau lên bản Sa Ná để tiếp cận thông tin. Từ Trưởng cơ quan thường trú đến phóng viên, ngay cả hai phóng viên nữ là Phạm Hoa Mai và Khiếu Thị Tư cũng rất hăng hái, sẵn sàng lên bản Sa Ná tác nghiệp.

Tất cả 4 phóng viên của cơ quan thường trú TTXVN tại Thanh Hóa đều có mặt, nhiệt tình, lăn xả để có được những dòng tin nóng hổi, những bức ảnh sinh động về tình hình ở bản Na Sá.

Và cả 4 phóng viên đều theo đuổi thông tin về sự việc cho đến khi người dân bản Sa Ná được hỗ trợ đến nơi tái định cư mới.

Hai nữ phóng viên Phạm Hoa Mai và Khiếu Thị Tư đã lên bản Sa Ná để viết bài phản ánh cuộc sống của đồng bào khi đến nơi ở mới.

Nhờ đó, Cơ quan thường trú Thanh Hóa đã có những tác phẩm hay, phản ánh kịp thời, chân thực về những khó khăn vất vả, nỗ lực tìm kiếm, công tác cứu hộ của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và cộng đồng đối với đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai...

Tuy nhiên, điều đọng lại sau đợt thông tin đặc biệt này là bài viết về những kinh nghiệm được đúc rút sau sự cố lũ ống, lũ quét, những kiến nghị, đề xuất giải pháp để đồng bào dân tộc không còn lo sợ khi mùa mưa lũ tràn về.

Gắn bó với địa bàn, lăn lộn và nắm chắc tình hình thực tế, rồi phỏng vấn người dân địa phương... tác giả đã nhanh chóng hoàn thành bải viết rất tâm đắc: “Giải pháp để đồng bào miền Tây không bị ám ảnh bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.”

Ngoài giải pháp đặt các thiết bị hiện đại để cảnh báo, đồng bào cũng cần được trang bị tù và, trống, kẻng… để báo động khi có lũ. Đây là những dụng cụ thô sơ, ít tốn kém, nhưng có hiệu quả lớn bởi được đúc rút từ thực tế của đồng bào.

Và bài viết này như một điểm nhấn trong loạt thông tin về đợt mưa lũ ở bản vùng cao Na Sá, giúp nhóm tác giả cơ quan thường trú TTXVN tại Thanh Hóa đoạt giải cao tại Giải báo chí toàn ngành năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục