Trong trường hợp vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật thì bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn. Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm của trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Đó là nội dung mới được quy định Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ) Chính phủ đã ban hành ngày 16/9.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Tại buổi họp báo chuyên đề ngày 19/9, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ theo hướng tăng cường quản lý, giám sát liên thông giữa thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Quy định mới cũng nâng yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trong đó doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải công bố thông tin (trước và sau khi phát hành) về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Thêm vào đó, tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
[Trái phiếu doanh nghiệp: Ai chịu trách nhiệm để vực dậy lòng tin?]
Trên cơ sở đó, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ cập nhật bổ sung các chỉ tiêu tài chính cũng như thông tin về các doanh nghiệp (phát hành) không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành trên chuyên trang thông tin về của các Sở.
Thời gian qua một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn, do đó ông Dương cho biết Nghị định đã bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 01/01/2023). Thêm vào đó, các hợp đồng phải được ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu (trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân) và có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Tổ chức phân phối không được là người có liên quan
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay từ tháng 10/2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ trì 30 đoàn thanh, kiểm tra (21 công ty chứng khoán và 9 tổ chức phát hành). Kết quả cho thấy có 6 công ty chứng khoán đã có những vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (trong đó 5 công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ủy ban đã trao đổi kết quả và tài liệu kiểm tra cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an).
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tổ chức kiểm tra 9 tổ chức phát hành phát hiện có 8 đơn vị vi phạm, cụ thể Tập đoàn Apec Group và Tập đoàn VsetGroup chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký theo quy định; Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng và Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định; Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, Tân Phú Việt Nam, Tập đoàn Danh Khôi, Bất động sản và Đầu tư VRC vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Việt Hưng vi phạm về công bố thông tin không đúng thời hạn.
Nhằm bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, ông Dương cho biết quy định mới nêu rõ các đại lý phát hành phải là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Theo đó, các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, các tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của doanh nghiệp phát hành. Hơn nữa, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được bổ sung cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.
"Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật," ông Dương nói.
Thêm vào đó, các quy định cũng được sửa đổi nhằm tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đồng thời hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận. Để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức, quy định mới cũng bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán trong việc quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.
"Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách, quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng khi cấp phép cho các tổ chức này cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu," ông Dương nói./.