Tại sao ông Macron thất bại còn ông Trump được cử tri ủng hộ?

Nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống là thảm họa với xã hội Mỹ, còn sự nổi lên của ông Macron là thành tựu của xã hội Pháp. Nhưng thực tế có phải như vậy?
Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Trang mạng atimes.com đưa tin đa phần giới tự do phương Tây đều cho rằng chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống là thảm họa với xã hội Mỹ, còn sự nổi lên của Emmanuel Macron là thành tựu của xã hội Pháp.

Tuy nhiên trong thực tế, mọi chuyện dường như đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Câu hỏi đầu tiên mà người ta đặt ra là tại sao các cuộc biểu tình đường phố đầy bạo lực lại diễn ra tại Paris chứ không phải Washington. Và vì sao những người “áo vàng” lại biểu tình?

Khởi nguồn của các bất ổn này là nhiều người cho rằng Tổng thống Macron không thực sự quan tâm hay thấu hiểu những khó khăn mà họ đang đối mặt.

Ông Emmanuel Macron tìm cách triển khai cải cách kinh tế vĩ mô khá nhạy cảm. Đề xuất tăng thuế đối với dầu diesel có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách và hạn chế lượng khí thải CO2.

Ông kỳ vọng một lập trường ngân sách mạnh mẽ hơn sẽ gia tăng lòng tin và thu hút giới đầu tư cho nền kinh tế Pháp, từ đó làm lợi cho những người thuộc 50% tầng dưới xã hội.

[Tổng thống Macron phải vượt lên những hoài nghi]

Tuy nhiên, chỉ có những người tin tưởng nhà lãnh đạo của mình mới sẵn lòng chịu đựng các thiệt hại trong ngắn hạn với hy vọng có được lợi ích trong dài hạn. Và với Macron, có vẻ như ông không nhận được sự ủng hộ của 50% dân số này.

Trái ngược với đó, ông Trump thu hút và duy trì sự ủng hộ của tầng lớp thấp trong xã hội Mỹ, hoặc ít nhất là những người lao động da trắng. Điều này thoạt nhìn thật kỳ cục và phi lý khi tỷ phú Donald Trump lại được lòng xã hội hơn Emmanuel Macron, một lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp trung lưu.

Khi ông Trump tấn công giới lãnh đạo tự do và bảo thủ Mỹ, nhiều người nhìn nhận đó là hành động đại diện cho tầng lớp ít được nhận phúc lợi hơn trong xã hội nhằm chống lại giới chóp bu vốn phớt lờ cuộc sống khổ cực của họ.

Những người Mỹ này có nhiều điều bất bình. Mỹ là xã hội phát triển thịnh vượng duy nhất có mức thu nhập trung bình của tầng lớp dưới ngày càng sụt giảm mạnh mẽ.

Điều choáng váng hơn là vào năm 2010, thu nhập của 1% số người giàu có trong xã hội Mỹ cao gấp 138 lần thu nhập của 50% số dân ở tầng dưới của xã hội, tăng mạnh so với mức chênh lệch 41 lần năm 1980.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng nhanh chóng tại Mỹ khi lợi ích kinh tế của những người ở tầng dưới xã hội bị phớt lờ.

Tuy nhiên, người ta có thể lý giải phần nào khúc mắc này khi nhìn vào hai nguyên tắc công bằng mà triết gia Havard John Rawls viết trong cuốn sách "A Theory of Justice" (tạm dịch: Lý thuyết của Công lý).

Nguyên tắc thứ nhất nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân có “quyền bình đẳng trong giới hạn tự do rộng lớn nhất,” và nguyên tắc thứ hai cho rằng bất bình đẳng xã hội cũng như kinh tế cần phải được giải quyết để phù hợp với “lợi ích của tất cả mọi người.”

Thực tế không thể phủ nhận là các nhà tự do phương Tây đã chú trọng nguyên tắc thứ nhất hơn hẳn nguyên tắc thứ hai trong cả lý thuyết lẫn thực hành, ưu tiên quyền tự do cá nhân hơn là bất bình đẳng.

Họ tin rằng chừng nào các cuộc bầu cử vẫn được tổ chức và người dân vẫn được đi bỏ phiếu tự do và bình đẳng, thì ở đó vẫn còn ổn định xã hội.

Họ cho rằng những người không có đủ lợi ích về kinh tế là do bản thân họ thiếu tính cạnh tranh chứ không phải do lệch lạc trong điều kiện xã hội.

Lý thuyết kinh tế vĩ mô truyền thống vẫn được giữ vững. Chính sách chi tiêu mạnh tay trong giai đoạn dư giả của ông Trump sẽ đem đến những tổn hại về sau, trong khi các chính sách kinh tế của ông Macron sẽ mang lại hiệu quả nếu người dân Pháp kiên nhẫn.

Ông Macron có thể đã thúc đẩy các cải cách giải quyết bất bình đẳng xã hội, song rõ ràng sự tin tưởng mà 50% dân số ở tầng dưới xã hội dành cho ông ít hơn rất nhiều so với những gì ông Trump có được.

Lực lượng tự do có thể đã có một sai lầm chiến lược khi tập trung sự giận dữ vào chính ông Trump. Thay vào đó, họ cần tự hỏi rằng vì sao hầu hết những người ở tầng dưới xã hội tin tưởng ông Trump (và thậm chí là còn có thể tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2020).

Nếu muốn đánh bại ông Trump, những người tự do chỉ còn một con đường duy nhất là giành lại lòng tin của các cử tri đóng vai trò quan trọng trong lực lượng ủng hộ ông. Điều này cần họ tái cơ cấu xã hội để tăng trưởng kinh tế làm lợi cho những người ở nửa dưới xã hội hơn là nhóm 1% người giàu.

Về lý thuyết, điều này khá đơn giản. Song trong thực tế những nhóm lợi ích chính sẽ tìm mọi cách để cản trở cải cách. Lựa chọn của lực lượng tự do rất rõ ràng: Họ có thể thỏa mãn với việc chỉ trích ông Trump hoặc nỗ lực tấn công những nhóm lợi ích chóp bu góp phần làm nên chiến thắng của nhà lãnh đạo này.

Nếu họ có thể thành công với lựa chọn thứ hai, các sử gia tương lai sẽ xem cuộc bầu cử của ông Trump là một lời cảnh tỉnh cần thiết, còn chiến thắng của ông Macron chỉ tạo nên những ảo tưởng.

Và họ có thể sẽ kết luận rằng cuộc bầu cử mà ông Trump dành chiến thắng thực sự có ích hơn cho xã hội Mỹ so với những gì ông Macron đem đến cho nước Pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục