Hai phái đoàn Cuba và Mỹ vừa tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên về tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương tại thủ đô La Habana.
Đây là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên kể từ sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đưa ra tuyên bố lịch sử ngày 17/12/2014 về việc mở lại mối quan hệ đã bị cắt đứt hơn nửa thập kỷ qua giữa hai nước.
Không khó để lý giải sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới trước sự kiện này khi có hơn 200 nhà báo thuộc gần 100 cơ quan báo chí lớn của quốc tế góp mặt và trực tiếp đưa tin về cuộc gặp. Đơn giản là nếu tuyên bố ngày 17/12/2014 bất ngờ mở ra một con đường hoàn toàn mới cho mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai quốc gia thì cuộc đàm phán ngày 22/1 chính là bước đi đầu tiên trên con đường mới, nhưng cũng đầy chông gai.
Bên cạnh vô số mối ràng buộc mang tính lịch sử, cuộc đối đầu ngoại giao giữa hai nước trong vòng hơn 5 thập kỷ qua mang nhiều tính biểu tượng: Siêu cường số một thế giới với sức mạnh vượt trội về kinh tế, quân sự và khoa học - kỹ thuật đối mặt với một quốc gia nhỏ bé nhưng kiên trì, nhẫn nại, thông minh, hào hiệp và có ý chí sắt đá bảo vệ quyền tự chủ vận mệnh của dân tộc mình. Vì thế, nếu hai nước có thể bình thường hóa quan hệ hoàn toàn thông qua con đường đối thoại thì đó là một câu chuyện mang tính "biến điều không thể thành có thể."
Tuy nhiên, chặng đường mới mang nhiều kỳ vọng không hề dễ đi: Washington, dù đã có cách tiếp cận hợp lý hơn, sẽ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu thay đổi chính quyền tại La Habana hay những công cụ lâu nay được sử dụng cho mục đích của mình; Cuba cũng chắc chắn sẽ không từ bỏ những nguyên tắc và quyền lợi dân tộc chính đáng mà họ đã phải hy sinh quá nhiều để bảo vệ.
Hai bên đã thể hiện sự thận trọng của mình khi khéo léo sắp xếp cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về tái thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau vòng đàm phán lần thứ 28 về nhập cư - kênh đối thoại thường kỳ gần như duy nhất giữa hai nước và lâu nay vẫn được xem là tích cực.
Các đề tài được chọn lựa để đàm phán, bên cạnh nhập cư và tái thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là những vấn đề "ít nhạy cảm" và có nhiều khả năng hợp tác như chống buôn lậu ma túy, chống buôn người, phòng ngừa tràn dầu, tìm kiếm cứu hộ trong trường hợp tai nạn hàng không hoặc hàng hải, bảo vệ môi trường, chống dịch bệnh Ebola, viễn thông.
Thậm chí, việc cả hai nước đều chỉ định các trưởng đoàn đàm phán của mình là nữ giới, bà Josefina Vidal - Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba - và bà Roberta Jacobson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán Cầu, cũng chưa chắc là một điều tình cờ.
Vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc gần như không có kết quả cụ thể và hai bên cũng chưa ký kết được bất kỳ thỏa thuận nào. Thậm chí, hai phái đoàn đã tiến hành trả lời báo chí riêng rẽ, trong đó luôn nhắc lại rằng vẫn tồn tại nhiều khác biệt cơ bản và không ra thông cáo báo chí chung. Thế nhưng, điều đáng ghi nhận nhất là hai phái đoàn đều khẳng định sẽ tiếp tục không gian thảo luận này, thể hiện thái độ tích cực đối với tương lai đàm phán và tránh chỉ trích lẫn nhau.
Kết quả trên có lẽ sẽ làm những người vốn giữ thái độ lạc quan có đôi chút thất vọng, nhưng điều đó không bất ngờ đối với giới quan sát. Nhìn nhận một cách lý trí, một mối quan hệ với lịch sử hơn 50 năm đối đầu sẽ không thể ngay lập tức trở nên hữu hảo với chỉ với một tuyên bố - dù mang tính lịch sử - và một cuộc họp chủ yếu mang tính vạch lộ trình và thảo luận kỹ thuật. Mặt khác, tính thận trọng trong trường hợp này cũng thể hiện sự nghiêm túc của hai bên để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Vạn sự khởi đầu nan. Cuộc đàm phán đầu tiên dù chưa đi tới một dấu mốc cụ thể nào nhưng đã thể hiện thiện chí và tinh thần lạc quan. Như lời phát biểu của trưởng phái đoàn Cuba Josefina Vidal, "dù có nhiều khác biệt lớn, chúng ta vẫn có thể chung sống một cách văn minh và hòa bình."
Vì thế, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào những cải thiện trong mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ trong thời gian tới./.