Tâm lý bất an trên các sàn giao dịch kéo chứng khoán châu Á giảm điểm

Các nhà đầu tư lo lắng về chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới, cuộc binh biến do nhóm quân sự tư nhân Wagner tiến hành tại Nga cũng tăng thêm tâm lý bất an trên các sàn giao dịch.
Bảng điện tử hiển thị chỉ số KOSPI giảm điểm tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc ngày 22/8/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chiều ngày 26/6, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang theo dõi kế hoạch tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương trong cuộc chiến với lạm phát.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 82,73 điểm (0,25%) xuống 32.698,81 điểm.

Trong một lưu ý, công ty chứng khoán IwaiCosmo Securities cho biết tuần trước chỉ số Nikkei ghi dấu tuần giảm đầu tiên sau 11 tuần. Tình trạng tạm dừng đà tăng của chỉ số này đã dẫn đến hoạt động bán tháo một loạt cổ phiếu từ phiên buổi sáng.

Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải giảm 47,28 điểm (1,48%) xuống 3.150,62 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 95,84 điểm (0,51%) xuống 18.794,13 điểm.

[Anh: Thị trường đặt cược lãi suất sẽ vọt lên mức cao nhất trong 25 năm]

Theo các chuyên gia, cuộc binh biến do nhóm quân sự tư nhân Wagner tiến hành tại Nga làm tăng thêm tâm lý bất an trên các sàn giao dịch.

Phiên này, đồng ruble đã giảm xuống 87 rublle/USD - mức yếu nhất kể từ tháng 3/2022. Chuyên gia Erik Meyersson, tại SEB AB, nhận định thị trường có thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề chính trị nội bộ tại Nga.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sau khi Chủ tịch Jerome Powell tuần trước cảnh báo lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng.

Những bình luận của ông Powell đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng Fed đã đi đến cuối chu kỳ thắt chặt lãi suất.

Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới có thể cản trở nền kinh tế toàn cầu. Đầu năm nay, Khu vực đồng euro (Eurozone) đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Ngoài ra, thị trường còn hướng sự chú ý vào Trung Quốc và các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ nước này.

Kết phiên 26/6, tại Việt Nam, VN-Index tăng 2,65 điểm lên 1.132,03 điểm; HNX-Index giảm 0,52 điểm xuống 231,01 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục