Tâm lý bi quan bao trùm thị trường, VN-Index mất trên 55 điểm

VN-Index đóng cửa giảm 55,8 điểm, lùi về 1.243,51 điểm. Tình huống tương tự, HNX-Index cũng rơi 15,7 điểm, xuống mức 292,06 điểm và UpCoM-Index mất 2,74 điểm, về mức 82,59 điểm.
(Ảnh minh họa: Vietnam+)

Phiên giao sáng ngày 19/7, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa với tâm lý bi quan bao trùm. Các chỉ số chính trên thị trường đồng loạt giảm điểm rất mạnh khi áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và tiếp tục mạnh lên nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ.

[Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần]

Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index giảm 55,8 điểm, lùi về 1.243,51 điểm. Tình huống tương tự, HNX-Index cũng rơi 15,7 điểm, xuống mức 292,06 điểm và UpCoM-Index mất 2,74 điểm, về mức 82,59 điểm.

Lỗ lực bắt đáy bất thành

Ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh Bà Triệu (Hà Nội) cho biết diễn biến giao dịch trong ngày hôm nay mấy tích cực, khi tâm lý bi quan bao trùm bắt đầu từ đợt giao dịch buổi sáng kéo sang đến hết phiên chiều.

“Nỗ lực bắt đáy của một bộ phận nhà đầu tư trong buổi sáng đã không thành công trước đà bán mỗi lúc càng tăng mạnh,” ông Tuyến nói.

Đầu giờ, nhiều cổ phiếu đã có mức chào bán giảm sâu, thậm chí là về gần hết biên độ cho phép, như LPB, PVD, FLC, HBC, HCM, TCB...

Diễn biến sau đó, các trụ cột cũng lần lượt lao dốc, như VIC, VHM, VNM, VCB... càng về cuối áp lực bán càng gia tăng, trong khi lực cầu trở nên yếu thế.

Top 5 mã cổ phiếu tác động làm giảm điểm VN-Index trong phiên hôm nay, bao gồm VCB (-0,44%), VHM (-0,33%), TCB (-0,27%), BID (-0,25%) và VPB (-0,24%).

Diễn biến thị trường trong phiên 19/7:

(Nguồn: VietstockFinance)

Trên thị trường, sắc đỏ phủ kín toàn bộ các nhóm ngành. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán giảm mạnh nhất 7,2%, kế là nhóm khai khoàng và ngân hàng cùng giảm trên 6% và bán lẻ, sản xuất nhựa-hóa chất giảm hơn 5%.

Sau chuỗi ngày mua ròng mạnh mẽ từ đầu tháng Bảy, phiên giao dịch hôm nay-nhóm nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động giao dịch đồng điệu với khối nhà đầu tư trong nước với giá trị bán ròng 348 tỷ đồng.

Thanh khoản toàn thị trường đạt xấp xỉ 26.000 tỷ đồng với 684 mã giảm giá (trong đó có 102 mã nện sàn), 803 mã đi ngang và chỉ có 175 mã tăng giá (trong đó có 30 mã tăng trần).

Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index tại 1.210 điểm

Theo ông Tuyến, diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 trong các ngày qua đã tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư. Tình trạng dịch bệnh lan rộng và phức tạp khiến cho việc bán chứng khoán tháo chạy trên thị trường chứng khoán trở nên lớn hơn.

"Về kết quả kinh doanh quý 2, nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính được dự báo là có lợi nhuận tốt, song các mã ACB, TCB, MBB, CTG, STB... đều giảm rất mạnh trong phiên. Hơn thế, các cổ phiếu như CTG MBB thậm chí còn bị bán ra với các mức nện sàn…. Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng không thoát khỏi cảnh tương tự. Cụ thể, mã VCI của chứng khoán Bản Việt, HCM của chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bị dư bán chất sàn, cổ phiếu SSI cũng về sát mức sàn...,," ông Tuyến dẫn chứng.

Đánh giá xu hướng của thị trường, ông Tuyến cho rằng thời điểm hiện tại tâm lý của nhà đầu tư là rất thận trọng. Bởi trước đó, thị trường chứng khoán đã đi lên trong một thời gian dài cả khi có những tin tức không thuận lợi, do đó hoạt động bán chốt lời để bảo vệ thành quả của các nhà đầu tư là điều tất yếu.

Diễn biến các nhóm ngành trong phiên ngày 19/7:

(Nguồn: VietstockFinance)

Về kỹ thuật, ông Nguyễn Đình  Thắng, chuyên viên phân tích Công ty chứng khóa Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định: Sau một thời gian tăng rất mạnh, sóng tăng 5 của thị trường đã bứt phá được 420 điểm (từ khoảng 1.000 điểm vào cuối tháng 1/2021 lên 1.420 điểm vào đầu tháng 7/2021). Cùng đấy, khoảng cách tăng 420 điểm cũng là mức tăng của sóng 3 trước đó (từ 780 điểm vào cuối tháng 7/2020 lên 1.200 điểm vào giữa tháng 1/2021).

“Theo lý thuyết sóng Elliott, thì sóng tăng 3 luôn là sóng tăng mạnh nhất và độ dài của sóng này sẽ là giới hạn cuối cùng của sóng tăng 5. Theo đó, việc VN-Index giảm mạnh và xuyên thủng đường trung bình-MA20 ngày trong phiên ngày 6/7 thì đã xác nhận là thị trường bước vào sóng điều chỉnh,” ông Thắng nói.

Với phiên giảm mạnh như hôm nay, ông Thắng cho rằng giá của các cổ phiếu đang tiếp tục được chiết khấu. Nhưng theo lý thuyết Elliott, thị trường chứng khoán vẫn còn có khả năng tiếp tục giảm với vùng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index quanh ngưỡng 1.210 điểm.

“Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu ở mức từ thấp đến trung bình nên hạn chế bán tháo trong giai đoạn hiện tại, do thị trường đang ở khá gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư có thể canh những nhịp giảm điểm tiếp theo về ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.210 điểm để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục,” ông Thắng chia sẻ.

Về điều này, ông Tuyến cũng cho biết thêm các nhà đầu tư mua mới (F0) đã chịu tác động của những phiên giảm trước đó và bị thua lỗ hoặc đang sử dụng đòn bẩy cao. Vì vậy những phiên bị bán mạnh như hiện nay, hầu hết đến từ các tài khoản dùng margin lớn.

“Do đó, các nhà đầu tư cần tránh sử dụng đòn bẩy cao. Với những nhà đầu tư chủ động về dòng tiền, những phiên sụt giảm sâu sẽ là cơ hội để cấu lại danh mục một cách hiệu quả nhất và cũng tránh tâm lý đám đông-bán ra bằng mọi giá. Với những nhà đầu tư đang nắm tiền mặt và muốn tăng danh mục, có thể theo dõi những phiên giảm sâu để lựa chọn mua vào dần các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2,” ông Tuyến nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục