Tâm lý thị trường kém ổn định, theo dõi rủi ro từ Trung Quốc

Tuần qua, mã FLC tiếp tục là cổ phiếu được nhà đầu tư giao dịch mạnh nhất trên HoSE với khối lượng 21 triệu đơn vị. Phía HNX, mã TIG dẫn đầu với khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng 14 triệu đơn vị.

Tuần qua, mã FLC tiếp tục là cổ phiếu được các nhà đầu tư giao dịch mạnh nhất trên sàn HoSE, với khối lượng đạt 21 triệu đơn vị. Đứng thứ hai là cổ phiếu SSI đạt 20 triệu đơn vị. Các mã CII, VHG, MBB lần lượt giữ các vị trí liền sau trong top 5.

Tại sàn HNX, cổ phiếu TIG đã soán ngôi vị dẫn đầu với  khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng 14 triệu đơn vị. Theo đó, mã SHB lùi về vị trí thứ hai với khối lượng giao dịch đạt gần 12 triệu đơn vị và các mã KLF, VIX, CEO là những mã đứng ở các vị trí kế tiếp.

Quay trở lại diễn biến giao dịch tuần qua, thị trường có phiên mở cửa với tâm lý thận trọng, thanh khoản đạt mức thấp. Tuy nhiên sau đó, VN-Index đã bật trở lại trong hai phiên kế tiếp nhờ động lực đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng. Song, áp lực chốt lời lãi diễn ra trong hai phiên cuối tuần đồng thời kìm hãm đà tăng của VN-Index. Giao dịch trên sàn HNX diễn ra lình xình hầu hết các phiên trong tuần. Tổng kết, VN-Index tăng 1,78%, lên 566,74 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 1,59%, lên 77,53 điểm so với tuần trước đó.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ chính cho VN-Index, tuy nhiên sau đó đã điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần. BID là điểm sáng với thông tin được đưa vào danh mục FTSE, mã này tăng 8,7% cả tuần.

Nhóm cổ phiếu dầu khí có mức tăng nhẹ, cụ thể mã GAS chốt tuần giao tăng 1,31%, PXS tăng 4,67% song PVD giảm nhẹ 0,29%.

Điểm đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ thu hút dòng tiền ở phiên cuối tuần, các mã KBC và ITA là hai điểm sáng với mức tăng lần lượt 4,8% và 5,88%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Tuần qua, khối ngoại giao dịch khá tích cực, cụ thể họ mua ròng 164,5 tỷ đồng trên HoSE song bán ròng 5,26 tỷ đồng tại HNX.

Diễn biến cho thấy, tại sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã E1VFVN30 với khối lượng 1,7 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã VCB đạt 1,4 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã BID, FIT, NT2.

Bên cạnh đó, họ đã bán ròng mạnh nhất là mã VIC với khối lượng 1 triệu đơn vị. Kế đến là mã STB, có khối lượng bán ròng là 752.190 đơn vị.

Trên sàn HNX, mã VND là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với gần 370.700 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là TIG, CEO, CMS, DNP.

Chiều ngược lại, cổ phiếu SHB bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất 483.840 đơn vị, tiếp đến là PVS, PVB, VCG, BCC.

Diễn biến tích lũy đi ngang khiến thị trường tuần qua trong trạng thái thiếu động lực, cả bên mua và bên bán đều giao dịch cầm chừng làm cho thanh khoản trong cả tuần duy trì ở mức thấp.

Theo đánh giá chung từ giới phân tích, việc nhóm các mã ngân hàng, dầu khí chững lại trong các phiên cuối tuần sau chuỗi tăng giá mạnh đã tác động tiêu cực lên diễn biến thị trường trong bối cảnh tâm lý kém ổn định và kéo trạng thái điều chỉnh quay trở lại.

Tuần qua các tin tức kinh tế trong nước và của các doanh nghiệp niêm yết đều vắng bóng. Các tin tức xuất hiện trong cả tuần chủ yếu liên quan tới diễn biến quốc tế. Những rủi ro từ phía Trung Quốc vẫn là yếu tố được thị trường tập trung theo dõi, như chỉ số lạm phát nước này trong tháng Tám đạt 2% và đây mức cao nhất trong năm nay, đồng nhân dân Tệ cũng tăng giá trở lại 0,08% trong phiên ngày 11/9. Những ảnh hưởng trên không chỉ đem tới thị trường chứng khoán Việt Nam mà cả nền kinh tế quốc tế nói chung.

Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục