Tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc

Thủ tướng phê duyệt nâng tổng thời lượng phát sóng trên 4 kênh VTV5, VTV5 Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên và VTV5 Tây Bắc lên 96 giờ/ngày, nâng tổng số ngôn ngữ sản xuất, phát sóng lên 27.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1659/QĐ-TTg về Phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2021-2025.

Việc phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ nhằm góp phần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách dân tộc, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

[Cơ hội lớn để đồng bào dân tộc thiểu số giảm bớt khó khăn]

Thủ tướng phê duyệt nâng tổng thời lượng phát sóng trên 4 kênh VTV5, VTV5 Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên và VTV5 Tây Bắc lên 96 giờ/ngày (mỗi kênh 24 giờ/ngày), trong đó tổng thời lượng sản xuất chương trình mới của 4 kênh đến năm 2025 là 13 giờ 30 phút/ngày/4 kênh; nâng tổng số ngôn ngữ sản xuất, phát sóng lên 27 (tăng 4 ngôn ngữ so với hiện nay), gồm các ngôn ngữ H’Mông, Thái, Dao, Mường, Sán Chí, Ê Đê, Jơ Rai, Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Raglai, K’Ho, S’Tiêng, Chăm, Khmer, Pa Cô-Vân Kiều, Cơ Tu, Cao Lan, Hà Nhì, H’Rê, Chu Ru, Chơ Ro, M’Nông, Tày, Hoa, Ca Dong và tiếng Việt.

Quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 4.200 lượt người làm truyền hình tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện được xác định là sử dụng nguồn lực hiện có của Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương để tăng thời lượng sản xuất, phát sóng và nâng cao chất lượng sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc trên 4 kênh VTV5.

Các đơn vị xây dựng, sản xuất các chương trình tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tăng thời lượng sản xuất các chuyên mục như tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, văn hóa văn nghệ, khuyến nông-khuyến ngư, gương người tốt việc tốt... để phát sóng trên các kênh của VTV5.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày để bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ những người làm truyền hình tiếng dân tộc, gồm: Biên tập viên, phóng viên, đạo diễn, quay phim, phát thanh viên, tổ chức sản xuất, biên dịch viên, kỹ thuật viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục