Tăng cường thúc đẩy kết nối thanh toán nội khối khu vực ASEAN

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thành lập một Nhóm công tác chịu trách nhiệm nghiên cứu tính khả thi, lợi ích, thách thức và phương thức thực hiện Khung giao dịch tiền tệ địa phương ASEAN.
Ảnh minh họa. (Nguồn: industryglobalnews24)

Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây đã tuyên bố thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy giao dịch nội tệ.

Theo một số nghiên cứu, thị trường thanh toán kỹ thuật số đang bùng nổ của ASEAN, dự kiến sẽ đạt 2.000 tỷ USD tính theo giá trị giao dịch vào năm 2030.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, nhận thức được những lợi ích tiềm năng của việc sử dụng đồng nội tệ, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi tài chính, tăng cường hội nhập tài chính khu vực và củng cố chuỗi giá trị khu vực.

Để đạt được những mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tận dụng các cơ hội mới nổi do đổi mới mang lại, để tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn, có tính đến đặc thù của mỗi quốc gia.

Trong tiến trình này, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực trong ASEAN bằng cách cho phép các hệ thống và dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn, minh bạch và toàn diện sử dụng đồng nội tệ.

[ASEAN thảo luận các chương trình nghị sự tài chính và tiền tệ]

Cụ thể, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR), ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số giúp nâng cao hiệu quả và sự thuận tiện trong giao dịch nội tệ giữa các nước ASEAN.

Các công cụ này cũng hỗ trợ phát triển và tích hợp thị trường nội tệ, cải thiện tính thanh khoản, tiếp cận thị trường và hài hòa hóa cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn thanh toán.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ASEAN phải đầu tư vào các công nghệ và nền tảng kỹ thuật số để đảm bảo kết nối thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn đồng thời đạt được khả năng tương tác và tiêu chuẩn hóa giữa các quốc gia thành viên.

Điều này sẽ thiết lập một hệ sinh thái thanh toán khu vực linh hoạt và kết nối phù hợp với tầm nhìn của ASEAN về hội nhập tài chính mạnh mẽ hơn, cải thiện dòng chảy đầu tư và thương mại khu vực cũng như nâng cao chuỗi giá trị khu vực.

Các nước ASEAN đang có những bước tiến đáng kể trong kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ.

Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã ký Biên bản ghi nhớ, ưu tiên các hệ thống thanh toán xuyên biên giới, khung thanh toán nội tệ, nền tảng thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện.

Ngoài ra, các quốc gia như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã thực hiện các khuôn khổ thanh toán nội tệ song phương dựa trên Hướng dẫn ASEAN.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thái Lan đã cùng ra mắt dịch vụ thanh toán QR cho các giao dịch xuyên biên giới.

Ngoài ra, Ngân hàng Indonesia và Cơ quan tiền tệ Singapore hợp tác về liên kết thanh toán QR xuyên biên giới để tăng cường hơn nữa kết nối thanh toán trên toàn ASEAN.

Những sáng kiến này tận dụng mã QR, ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả, bảo mật và tiện lợi của các giao dịch xuyên biên giới. ASEAN đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thanh toán khu vực kết nối và hiệu quả hơn thông qua những tiến bộ công nghệ này.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực.

Động thái này nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ quốc tế lớn, tăng cường ổn định tài chính và tránh tác động lan tỏa tiềm tàng từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Để thúc đẩy kết nối thanh toán trong khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thành lập một Nhóm công tác vào tháng 5/2023 để chịu trách nhiệm nghiên cứu tính khả thi, lợi ích, thách thức và phương thức thực hiện Khung giao dịch tiền tệ địa phương ASEAN.

Nhóm đặc trách sẽ phát triển một khuôn khổ dự thảo cung cấp hướng dẫn và khuyến nghị để thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch xuyên biên giới.

Nhóm này dự kiến sẽ đệ trình báo cáo và dự thảo khung vào cuối năm 2024. Khung phải toàn diện và thiết thực, phù hợp vào mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng và năng lực khác nhau giữa các nước ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục