Trang tin của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) vừa đăng bài viết của Giáo sư Michael Heazle, làm việc tại trường Đại học Griffith, nêu ra một số đánh giá và giải pháp đáng chú ý nhằm tăng cường thực thi pháp luật hàng hải ở Đông Nam Á và Biển Đông.
Sau đây là nội dung bài viết:
Năm năm rưỡi đã trôi qua kể từ tháng 7/2016, khi Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trật tự hàng hải quốc tế ở Đông Á rõ ràng vẫn đang gặp khó khăn.
Trung Quốc tiếp tục củng cố quyền kiểm soát đối với quần đảo Hoàng Sa và phần lớn các đảo Trường Sa cũng như gia tăng các hoạt động xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được công nhận của hầu hết các quốc gia ven Biển Đông mà hầu như không phải chịu sự trừng phạt nào.
Đặc biệt, Philippines và Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều hành động xâm nhập của Trung Quốc. Quần đảo Natuna của Indonesia và gần đây là EEZ của Malaysia cũng đã rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc khi nước này nỗ lực kiểm soát vùng biển phía nam của chuỗi đảo đầu tiên.
Trật tự hàng hải của khu vực theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là trọng tâm của trật tự dựa trên luật lệ mà Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã xác định là yếu tố chủ chốt của an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Tuy nhiên, các chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra, làm suy yếu hiệu lực và tính liên quan của UNCLOS trong bối cảnh trong khu vực chưa có một lập trường phối hợp và thống nhất ủng hộ các quy định và hiệu lực của UNCLOS cả trên nguyên tắc và thực tế.
Các tác động rộng lớn hơn của việc Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt luật hàng hải của mình lên các quốc gia khác, từ chối quyền được đánh bắt cá và các quyền hàng hải khác của các quốc gia khác... tạo ra lý do thuyết phục cho các quốc gia thành viên Đối thoại An ninh Bốn bên (Nhóm Bộ tứ) và các quốc gia khác phải nỗ lực hơn trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích của tất cả quốc gia ven Biển Đông được quy định bởi UNCLOS được bảo vệ.
Các mối đe dọa không chỉ là sự xói mòn hơn nữa tính hiệu lực và hợp pháp của trật tự dựa trên luật lệ có thể tới mức không thể khắc phục được, mà còn là sự gia tăng đáng kể đòn bẩy kinh tế và chính trị của Bắc Kinh đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào đánh bắt hải sản, khai thác năng lượng, và các quyền chủ quyền khác mà Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát.
Việc để mặc cho Bắc Kinh mở rộng hơn nữa sự hiện diện và ảnh hưởng đáng kể ở Biển Đông sẽ khiến Australia, Nhật Bản và Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tăng cường sự ủng hộ ngoại giao trong khu vực trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và những nơi khác, khiến xung đột quân sự giữa các cường quốc trong khu vực dễ xảy ra hơn.
[Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán về vấn đề Biển Đông]
Vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp vẫn bị ảnh hưởng bởi sự chia rẽ nội bộ về trách nhiệm của khối với tư cách là một thể chế khu vực trong việc bảo vệ quyền hàng hải của các quốc gia thành viên, bất chấp ASEAN đã đưa ra không ít tuyên bố khẳng định UNCLOS là cơ sở để giải quyết các tranh chấp về quyền hàng hải.
Nhiều thành viên ASEAN lo sợ hậu quả của việc buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, về việc ASEAN bị gạt ra rìa trong nền chính trị nước lớn ngay tại khu vực “sân sau” của mình, và về việc khu vực này bị quân sự hóa hơn và dễ xảy ra xung đột hơn.
Việc ASEAN thiếu lập trường và phản ứng thống nhất trước các yêu sách của Trung Quốc cũng được giải thích là do lập trường “trung dung” của các quốc gia thành viên không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các tranh chấp ở Biển Đông hoặc các nhóm tinh hoa chính trị và kinh doanh của một số nước ưu tiên lợi ích của việc không chống đối Bắc Kinh.
Hơn nữa, việc các nước có tranh chấp biển trong ASEAN còn có những cách giải thích khác nhau về các điều khoản của UNCLOS cũng là một trở ngại nữa cho việc xây dựng một lập trường chung của ASEAN.
Tuy nhiên, trước các hành vi hung hăng của Bắc Kinh, các quốc gia ASEAN ven biển bắt đầu phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác nhiều hơn trong việc thực thi pháp luật hàng hải. Năm 2014, chính phủ hai nước Indonesia và Philippines đã đạt thỏa thuận về EEZ chồng lấn ở Biển Celebes.
Việt Nam và Indonesia đang tiếp tục đàm phán để thiết lập ranh giới tạm thời tại các khu vực chồng lấn của vùng đặc quyền kinh tế mà họ yêu sách ở Biển Bắc Natuna.
Tháng 12/2021, hai nước đã ký bản ghi nhớ cam kết cải thiện hợp tác an ninh và an toàn hàng hải. Các thỏa thuận song phương này được coi là sự khẳng định quyền hàng hải của các bên và sự bác bỏ rõ ràng các yêu sách về cái gọi là ''đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh triển khai các tàu dân quân tham gia đánh bắt hải sản khiến Trung Quốc bị nghi ngờ tiến hành đánh bắt cá bất hợp pháp và do đó cũng hợp pháp hóa các hoạt động thực thi pháp luật hàng hải phù hợp với UNCLOS.
Vì vậy, vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát lâu nay ở Biển Đông có thể mang đến cơ hội lớn cho các quốc gia ở Biển Đông bị đe dọa nhiều nhất từ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc - bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia - cùng nhau phát triển một cách thức phi quân sự dựa trên UNCLOS để đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền và chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc, với sự hỗ trợ nâng cao năng lực và pháp lý nhiều hơn nữa từ các quốc gia Nhóm Bộ tứ.
Làm như vậy sẽ đảm bảo rằng các bên trong khu vực, thay vì bên ngoài, đi đầu trong việc duy trì và khẳng định các quyền hàng hải. Điều này cũng sẽ cung cấp một sự khẳng định rõ ràng và rộng rãi về hiệu lực và tính liên quan của UNCLOS, đồng thời buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự leo thang quân sự nào bằng cách áp đặt các tình huống “vùng xám” khó xử cho giới lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là về các tính toán ngưỡng xung đột của chính nước này.
Bằng cách cùng nhau hỗ trợ các nước nói trên trong các nỗ lực quản lý và kiểm soát đánh bắt hải sản hiệu quả hơn và các hoạt động hàng hải khác, các quốc gia trong Nhóm Bộ tứ có thể gián tiếp đẩy lùi sự xâm phạm “vùng xám” của Trung Quốc, đồng thời giúp các quốc gia ven biển quản lý tốt hơn mối đe dọa lâu nay đối với an ninh kinh tế xã hội và sự thịnh vượng trong tương lai của khu vực./.