Chiều 15/12, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở Nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam - hoạt động đầu tiên của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Đây là lần thứ ba, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có các nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở Nước ngoài, Tổng Lãnh sự, các Trưởng Cơ quan Đại diện mới được tiến cử, đại diện lãnh đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, địa phương, và đại diện hơn 300 hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nêu rõ Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ;” Chỉ thị Số 15-CT/TW của Ban Bí thư xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam.
Nhìn lại gần ba năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, từ những bài học thực tiễn trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, nhất là chiến dịch ngoại giao văn hóa hết sức thành công, tư duy, nhận thức của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện, các bộ, ngành về vai trò cơ bản, trung tâm của công tác ngoại giao kinh tế đã có những chuyển biến hết sức sâu sắc, đột phá.
Những chuyển biến về tư duy đó là động lực thúc đẩy chuyển biến về hành động, quyết liệt, thực chất và hiệu quả trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh ngoại giao kinh tế được triển khai hết sức quyết liệt ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và bài bản giữa Đại sứ quán với các cơ quan Thương vụ, khoa học công nghệ và nông nghiệp-phát triển nông thôn.
“Công tác ngoại giao kinh tế chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Ngoại giao kinh tế trở thành nội hàm trung tâm xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại các cấp, nhất là cấp cao, góp phần duy trì cục diện hòa bình…, thuận lợi cho phát triển đất nước, tạo dựng được các khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng, cân bằng, tạo ra cơ hội mới, thời cơ mới,” Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định.
Sau tọa đàm, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức hội nghị ngoại vụ địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế phục vụ phát triển địa phương.
Những sự kiện này là minh chứng rõ nét thực hiện quyết liệt chủ trương doanh nghiệp, địa phương là trọng tâm phục vụ.
Tình hình thế giới và kinh tế thế giới hiện bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ (COVID-19; môi trường tiền tệ thắt chặt, lạm phát và lãi suất cao kỷ lục; cạnh tranh chiến lược nước lớn thúc đẩy xu thế “chính trị hóa, an ninh hóa” hợp tác kinh tế; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...). Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh bảo về “một thập kỷ mất mát” đang ở phía trước.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh hơn ai hết, các Đại sứ ở tuyến đầu cảm nhận được những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và sở tại. Các doanh nghiệp không chỉ cảm nhận mà phải chèo chống, thích ứng, vượt qua giông bão, khó khăn.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam diễn ra với ba phiên: Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập; thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng; phát triển ngành Halal.
Các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá thực chất các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp, nhất là từ các thành quả của công tác đối ngoại, hội nhập của Việt Nam trong thời gian gần đây, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục khó khăn và trước các quy định, tiêu chuẩn mới được đẩy mạnh thực thi như hiện nay.
Trên cơ sở đó, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đề xuất các giải pháp cụ thể để tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức, khó khăn cả trong ngắn hạn và dài hạn giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư, tận dụng các xu hướng mới, mở ra các ngành lĩnh vực mới; tăng cường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa Trưởng Cơ quan Đại diện với các doanh nghiệp nhằm đưa ra những kiến nghị, đặt hàng cụ thể, thực chất.
Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện cùng các doanh nghiệp trao đổi các thông tin để gia nhập thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia, đánh giá rất cao sự đổi mới trong hoạt động ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua.
Tóm tắt tình hình thế giới và Việt Nam, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế thế giới ghi nhận ba điểm sáng, đó là không bị suy thoái như dự báo; lạm phát, giá cả hàng hóa hạ nhiệt (năm 2022 lạm phát 8,4%, năm nay dự kiến 5,3%, và sang năm sẽ còn giảm tiếp); xu hướng về Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng.
Đề cập tới thách thức với bản thân doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU, cho rằng đó là hàng hóa dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, doanh nghiệp Việt nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế; các doanh nghiệp có sự quan tâm đến thị trường EU nhưng chưa có sự quyết tâm cao.
Ngoại giao Kinh tế đóng góp tích cực cho phát triển đất nước
Trong khi đó, ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) nhận định về ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để doanh nghiệp Việt có thể chinh phục thị trường Trung Quốc.
Ông Trung cũng chỉ ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này cũng không nhỏ.
Về thị trường, đây không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng hướng tới tiêu chuẩn cao, thương mại điện tử đang phát triển. Nông sản Trung Quốc ngày càng có chất lượng tốt, điều đó đòi hỏi Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Tốc độ lưu thông hàng hóa đôi khi chưa được nhanh trong khi là hai nước láng giềng.
Về kiến nghị đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các cơ quan đại diện cần có dữ liệu phù hợp để giúp các doanh nghiệp nắm được tình hình, thông tin về thị trường, hiểu về thị trường.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các Đại sứ để tìm kiếm các đối tác đủ lớn, vận động bên lề để giúp gỡ các rào cản thương mại áp đặt với sản phẩm Việt Nam.
Ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam-Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, nêu kiến nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp đưa mô hình của các doanh nghiệp nước ngoài về nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuyên đề; tìm hiểu thông tin về khách hàng lớn để tư vấn cho doanh nghiệp trong nước.
Sau phần thảo luận tại hội trường chính, các đại biểu tham dự các phiên kết nối giữa các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp./.