Tạo dựng ý thức tuân thủ pháp luật cho người trẻ trong nhà trường

Bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật nói chung, nhiều trường học còn chú trọng việc phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng chuyên đề, gắn với thực tế đời sống tại địa bàn dân cư.
Tạo dựng ý thức tuân thủ pháp luật cho người trẻ trong nhà trường ảnh 1Học sinh giao lưu, trả lời kiến thức pháp luật rút ra từ phiên tòa giả định và nhận thức về bạo lực học đường. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Với 24 triệu học sinh, sinh viên, giáo dục pháp luật trong trường học là một nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Hoạt động này góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của người trẻ trong xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Xây dựng thói quen ứng xử theo pháp luật

Những năm gần đây, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được triển khai tích cực, kịp thời và đạt được một số kết quả quan trọng. Các địa phương, nhà trường đều xây dựng kế hoạch triển khai theo giai đoạn và theo năm, với nhiều mô hình hoạt động thường xuyên, đặc biệt là đợt tuyên truyền cao điểm, hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Năm nay, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã diễn ra ngày 2/11 tại Trường Trung học Phổ thông Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm với sự tham gia của các cán bộ tư pháp, luật sư, giáo viên và hơn 1.600 học sinh. Trong chương trình, nhiều vấn đề được quan tâm đề cập, đặc biệt là liên quan đến bạo lực học đường và sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh.

Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thượng Cát chia sẻ: Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, học sinh; đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật trở thành công việc tự thân, thói quen hằng ngày, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Các trường ở Thủ đô cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam từ ngày 15/10-15/11 bằng  nhiều hình thức. Trường Tiểu học Thanh Liệt tổ chức Ngày Pháp luật với cuộc thi Rung chuông vàng. Các kiến thức pháp luật thường gây cảm giác khô khan, khó hiểu. Song trong buổi sinh hoạt này, các em học sinh đã thấy được sự gần gũi của pháp luật và cuộc sống. Qua các câu hỏi trắc nghiệm và trò chơi vui nhộn, tình huống pháp luật tiêu biểu, học sinh đều hào hứng tham gia, bổ sung thêm nhiều kiến thức pháp luật cần thiết.

[TP.HCM: Sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật]

Bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật nói chung, nhiều trường còn chú trọng việc phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng chuyên đề, gắn với thực tế đời sống tại địa bàn dân cư.

Trường Trung học Cơ sở Archimedes Academy đã mời cán bộ phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến chia sẻ các biện pháp phòng ngừa cháy nổ, một số cách cơ bản thoát nạn khi xảy ra sự cố.

Học sinh đã được cung cấp thông tin và ví dụ trực quan về các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng thời gian gần đây; tìm hiểu nguyên nhân gây ra cháy nổ; một số cách thoát hiểm cơ bản khi xảy ra cháy, mắc kẹt tại thang máy, chuồng cọp...

Hay tại Hải Dương, từ đầu năm học 2023-2024 đến ngày 6/11, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp tuyên truyền về văn hóa giao thông cho gần 5.900 học sinh của 5 trường trong tỉnh. Từ nay đến cuối năm 2023, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền tại 4 trường Trung học Phổ thông.

Trong các buổi tuyên truyền, học sinh được phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, ứng xử có trách nhiệm, văn hóa khi tham gia giao thông. Các em được giao lưu, trả lời những câu hỏi tình huống giao thông thường gặp, từ đó có cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

Tạo dựng ý thức tuân thủ pháp luật cho người trẻ trong nhà trường ảnh 2Học sinh tại tỉnh Ninh Bình tham gia lớp học phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Đối với các địa phương khu vực biên giới, việc tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan về Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam đến với học sinh là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa. Vì vậy, hưởng ứng Ngày Pháp luật, tại Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Pò Mã đã phối hợp với Trường Trung học Phổ thông huyện Tràng Định tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến cho hơn 1.200 học sinh, giáo viên của nhà trường.

Nội dung tập trung phổ biến Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam; những loại giấy tờ tùy thân khi công dân đi vào khu vực biên giới cần mang theo; trách nhiệm của công dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trình chiếu một số hình ảnh về các hoạt động tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng; phát tờ rơi có nội dung về các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia...

Từ đó, học sinh, giáo viên nắm được quy định của pháp luật ở khu vực biên giới và hiểu rõ về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam; chấp hành, tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên...

Bà Phan Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng: Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nhất là Ngày Pháp luật Việt Nam trong nhà trường góp phần hình thành nền văn hóa, lối sống tôn trọng pháp luật, tạo lập các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen.

Chủ động tổ chức định kỳ, thực chất

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Thị Anh cho biết: Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Quyết định số 599/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023 của ngành Giáo dục đã đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn ngành phải bảo đảm công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai thực chất, bám sát nội dung, yêu cầu đổi mới trong điều kiện hiện nay.

Các nội dung phù hợp với tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm 2023; tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hướng tới mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường.

Trong triển khai các nhiệm vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời bám sát các nhiệm vụ theo Quyết định số 15/QĐ-HĐPB của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương; tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ là thành viên Hội đồng trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Thời gian qua, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, có nhiều mô hình thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của giáo viên và học sinh. Một số mô hình đã phát huy được hiệu quả tại các địa phương, nhà trường như mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông,” mô hình “Tuần sinh hoạt công dân học sinh sinh viên,” mô hình “Ngày pháp luật,” “Tiết pháp luật” định kỳ hàng tháng hoặc hàng tuần, mô hình các câu lạc bộ phổ biến giáo dục pháp luật dành cho học sinh theo từng cấp học, mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật”...

Các mô hình trên đều có ý nghĩa giáo dục tích cực, bồi dưỡng ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội...

Tuy nhiên, một số địa phương, cơ sở giáo dục còn tâm lý chờ hướng dẫn của cấp trên mà chưa chủ động, linh hoạt trong xây dựng các mô hình, phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế. Kinh phí dành cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế nên nhiều hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật chưa được tổ chức thường xuyên, chủ yếu lồng ghép chung trong hoạt động chuyên môn và hoạt động của các tổ chức đoàn thể, phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, cần định kỳ bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, giảng viên giảng dạy môn học Pháp luật, Pháp luật đại cương trong các trường đại học không chuyên luật; định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tọa đàm, trao đổi giữa những người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, đội viên, hội viên, để mỗi học sinh, sinh viên không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, ý thức tuân thủ pháp luật và có ứng xử phù hợp trong cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục