'Tập 2' thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cùng cốt truyện, cùng điểm nhấn

Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai có thể thành công hay không phụ thuộc vào những gì Mỹ sẵn sàng cho đi để kích thích một phản ứng từ Triều Tiên, và những gì Triều Tiên sẵn sàng cho đi để đáp trả.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 tới tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam.

Những tuyên bố từ các cuộc đàm phán gần đây giữa các quan chức cấp cao Triều Tiên và Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã cho thấy việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khen ngợi “suy nghĩ tích cực” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Gạt những lời lẽ hoa mỹ sang một bên, hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai có thể thành công hay không phụ thuộc vào những gì Washington sẵn sàng cho đi để kích thích một phản ứng từ Triều Tiên, và những gì Bình Nhưỡng sẵn sàng cho đi để đáp trả. Tuy vậy, Seoul và Bắc Kinh vẫn là những “diễn viên” chính trong tập hai của “bộ phim” này.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên diễn ra tại Singapore khá mờ nhạt so với những gì mọi người dự đoán. Sau sự kiện, các bên đã đưa ra một tuyên bố chứa đựng những từ ngữ mà Bình Nhưỡng từng sử dụng kể cả trước khi ông Kim Jong-un nắm quyền: Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Nhìn lại Tuyên bố chung liên Triều về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hồi năm 1992, chúng ta có thể thấy cụm từ tương tự. Và khi thuật ngữ này xuất hiện một lần nữa trong thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6/2018, Bình Nhưỡng nhận ra rằng họ có thể chỉ cần đơn thuần là thuyết giáo, chứ không phải là thực hiện, việc “phi hạt nhân hóa.”

 

Trong một bài bình luận của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng đã làm rõ rằng việc phi hạt nhân hóa có nghĩa là loại bỏ tất cả các yếu tố đe dọa hạt nhân khỏi khu vực Nam và Bắc Triều Tiên, cũng như các khu vực xung quanh mà có thể nhắm mục tiêu vào Bán đảo Triều Tiên. Đối với Washington, việc phi hạt nhân hóa vẫn là phá hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Để đạt được những tiến bộ ở Việt Nam, thế bế tắc rõ ràng này cần phải được khắc phục. Bước đầu tiên bao gồm một tuyên bố đầy đủ của Triều Tiên về kho vũ khí hạt nhân, các căn cứ, cơ sở và vật liệu phân hạch - những thứ chúng ta đã biết, và đặc biệt, những thứ chúng ta chưa biết - và lịch sử cũng cho thấy Bình Nhưỡng “nổi tiếng” với những tuyên bố không trung thực.

Một tuyên bố đầy đủ có thể là một yêu cầu lớn, song việc giải giáp hạt nhân, nếu bắt đầu, sẽ là một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, khả năng động thái táo bạo này diễn ra, nói một cách trung thực, là rất thấp.

Các cuộc gặp mặt giữa Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun cùng các quan chức của hai miền liên Triều, bao gồm các cuộc thảo luận về “phát triển kinh tế và sự gắn kết lâu dài” giữa Washington, Seoul và Bình Nhưỡng, đã được Chính phủ Thụy Điển ca ngợi là “mang tính xây dựng.”

Tuy nhiên, chúng ta phải tránh không để nhầm lẫn các vấn đề gắn kết và phi hạt nhân hóa. Sự gắn kết đi kèm với khích lệ sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa, trong đó hai nhượng bộ đáng kể sẽ là nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế và đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Một khả năng nhỏ hơn là việc mở các văn phòng liên lạc ở Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kể cả khi Trump và Kim Jong-un chấp thuận điều này, câu hỏi được đặt ra vẫn là liệu có thể xuất hiện những động thái phi hạt nhân hóa cụ thể nào hay không.

Một câu hỏi quan trọng không kém là liệu Mỹ sẽ sẵn sàng nhượng bộ những gì để giành được các biện pháp tương ứng từ Triều Tiên. Việc Trump đình chỉ các cuộc tập trận quân sự thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc trong năm 2018 (dù các cuộc tập trận quy mô nhỏ vẫn diễn ra) chính là một “món quà” lớn, một thứ gì đó mà Bình Nhưỡng luôn mong đợi.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump quyết định giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, hoặc tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên? Mặc dù một hiệp ước hòa bình vướng phải những phức tạp về mặt pháp lý, song đây chắc hẳn sẽ là một nhượng bộ “vĩ đại.”

Một hiệp ước chấm dứt Chiến tranh sẽ giúp Triều Tiên có thêm cơ sở để yêu cầu “hất cẳng” lực lượng thông thường của Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, đồng thời chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn. Đừng quên rằng Triều Tiên cho đến nay chưa hề từ bỏ bất cứ điều gì đáng kể trong lĩnh vực hạt nhân của mình.

Sau thượng đỉnh tại Singapore, Bình Nhưỡng đã tháo dỡ một bãi thử động cơ tại trạm phóng vệ tinh Sohae hồi tháng 7/2018. Tuy nhiên, nếu Mỹ xem xét những nhượng bộ này, liên quan đến các cơ sở hạt nhân ít được sử dụng ở Triều tiên, và những lời cam kết mà có thể dễ dàng từ bỏ - như bằng chứng cho một lời “cam kết” phi hạt nhân hóa, những cam kết như vậy có thể sẽ được Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện.

Trung Quốc, cũng như Nga, từ lâu đã phản đối mức nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt kinh tế mà Liên hợp quốc áp đặt đối với Triều Tiên, đồng thời mong muốn hòa bình trên Bán đảo.

Mặc dù mối quan hệ “môi hở răng lạnh” không phải lúc nào cũng bền chặt trong vài năm qua, song việc Bắc Kinh-Bình Nhưỡng tái khẳng định mối quan hệ là vô cùng nổi bật với ba chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh vào năm 2018 và một chuyến thăm vào năm 2019, cũng như sự nối tiếp cuộc đối thoại cấp cao.

“Sự đồng thuận quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ giữa đảng với đảng và giữa nhà nước với nhà nước của Trung Quốc và Triều Tiên,” như truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, là một tín hiệu rõ ràng dành cho Mỹ. Đó là việc giải quyết vấn đề Triều Tiên không chỉ giới hạn ở việc đối thoại song phương Mỹ-Triều.

Vì vậy, nếu ông Trump giảm thiểu, hoặc thậm chí là di dời, sự hiện diện thông thường của Mỹ ở Seoul, hoặc tuyên bố đình chỉ hay tạm dừng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn, lúc đó, Bắc Kinh cũng như Bình Nhưỡng sẽ mỉm cười.

Liệu Tổng thống Trump có nhận ra nhiệm vụ nặng nề phía trước? Sự lạc quan nhưng vẫn đầy thận trọng chính là phương hướng tiếp theo, trong khi đó, vẫn không được phủ nhận rằng chúng ta đang chứng kiến những tiến bộ - dù không liên quan đến phi hạt nhân hóa, về mặt đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, hai miền Triều Tiên, cũng như Bắc Kinh với tư cách “người anh em” của Triều Tiên.

Có lẽ mấu chốt nằm ở những gì cựu cố vấn chính sách cấp cao của Tổ chức Phát triển Năng lượng Bán đảo Triều Tiên (KEDO) Robert Carlin từng nói gần đây. Hàng thập kỷ lầm đường lạc lối và tuân thủ hời hợt các chuẩn mực quốc tế của Triều Tiên đã dạy chúng ta cách hiểu rõ mọi việc.

Việc “chắp cánh” cho bất kỳ “thỏa thuận” nào với Triều Tiên, như những gì ông Trump từng thốt lên trước hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, là một sự thiếu công bằng đối với nhiệm vụ ở phía trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục