Tập huấn cho các VĐV Việt Nam dự ASIAD 19 về phòng chống doping

Không giống như trước đây, ASIAD 19 là Đại hội Thể thao châu Á đầu tiên yêu cầu các vận động viên phải có Chứng chỉ ADEL của cơ quan chống doping thế giới mới có thể tham dự.
Các vận động viên tham gia chương trình học tập và kiểm tra lấy Chứng chỉ ADEL. (Nguồn: Cục Thể dục Thể thao)

Ngày 6/9, Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Trung tâm Doping và Y học Thể thao đã thành lập tổ chuyên gia phối hợp với các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh tiến hành tập huấn để đảm bảo các vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam đều đạt được Chứng chỉ ADEL (Anti-Doping Education and Learning Platform) trước khi lên đường tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19).

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa, ASIAD 19 sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Không giống như trước đây, đây là Đại hội Thể thao châu Á đầu tiên yêu cầu các vận động viên phải có Chứng chỉ ADEL của Cơ quan Chống Doping Thế giới mới có thể tham dự. Đây cũng là quy định bắt buộc đối với các vận động viên tham dự sự kiện thể thao đa môn cấp châu lục, thế giới.

Bác sĩ Vũ Trọng Hải, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam, cho biết quá trình tập huấn được triển khai bằng hai hình thức là trực tiếp đối với các vận động viên đang tập trung tập huấn tại các Trung tâm Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và trực tuyến đối với các vận động viên đang đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài.

Các vận động viên phải tham gia quá trình học tập với 14 nội dung lý thuyết trực tuyến của chương trình (nội dung ngắn nhất cần 10 phút để hoàn thành, có nhiều nội dung lên tới 30 phút) do Cơ quan Chống Doping Thế giới cung cấp. Sau khi hoàn thành phần lý thuyết, các học viên sẽ tham gia làm bài kiểm tra 25 câu.

Để có được chứng chỉ, các học viên phải đảm bảo đạt đủ 80% số điểm yêu cầu. Chứng chỉ ADEL giúp người học hiểu thêm về các chủ để khác nhau, liên quan tới phòng, chống doping phù hợp với từng đối tượng...

Phòng, chống doping luôn là nội dung được lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao quan tâm chỉ đạo sát sao, đặc biệt là trước mỗi sự kiện thể thao đa môn tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới.

[Thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội ASIAD 19]

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đặc biệt lưu ý và nhấn mạnh công tác phòng, chống doping phải được đặt lên hàng đầu khi chuẩn bị cho vận động viên dự ASIAD 19. Đây là kỳ Đại hội Thể thao lớn nhất châu lục, tập trung những vận động viên ưu tú nhất không chỉ của châu Á mà còn của thế giới. Các vận động viên Việt Nam có thể không có huy chương nhưng không được phép có vấn đề về doping.

Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt cho biết công tác đảm bảo về sức khỏe, y tế, thuốc dinh dưỡng và điều trị chấn thương cấp phát cho các vận động viên được quan tâm và kiểm tra sát sao. Hằng tuần, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia trên cả nước và Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh đều cập nhật và báo cáo về tình hình các tuyển thủ. Ban huấn luyện các đội tuyển đôn đốc vận động viên thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Việc giáo dục ý thức cho vận động viên được thực hiện nghiêm túc và liên tục.

Theo quy định, trước mỗi kỳ Đại hội, các quốc gia đều phải tiến hành lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên để báo cáo Ban Tổ chức. Công tác lấy mẫu thử kiểm tra doping với các vận động viên Việt Nam do Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam thực hiện, mẫu được gửi tới phòng kiểm tra ở nước ngoài để xét nghiệm theo đúng quy trình.

Cho đến nay, Việt Nam đã lấy 30 mẫu thử ngẫu nhiên theo đúng quy định của Hội đồng Olympic châu Á để gửi kết quả tới Ban Tổ chức trước khi ASIAD 19 chính thức diễn ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục