Căng thẳng chính trị tại Thái Lan đang bị đẩy lên đỉnh điểm và có khả năng người Thái sẽ lại phải đón nhận một làn sóng bạo lực mới nếu Tòa án hiến pháp ra phán quyết buộc Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về việc điều chuyển nhân sự của bà.
Phong trào biểu tình chống chính phủ do ông Suthep Thaugsuban đứng đầu và phe đối lập dường như đang muốn dùng mọi phương tiện để có thể nhanh chóng loại bỏ Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng toàn bộ Nội các của bà.
Trong lúc tiến trình cáo buộc bà Yingluck không làm tròn nhiệm vụ trong chương trình trợ giá gạo vẫn đang được Ủy ban chống tham nhũng thực hiện thì Tòa án hiến pháp mới đây đã ra quyết định chấp nhận xem xét quyết định điều chuyển nhân sự của Thủ tướng có vi phạm hiến pháp hay không.
Quyết định này liên quan tới việc điều chuyển Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri năm 2011.
Trước đó, Tòa án hành chính tối cao Thái Lan đã có phán quyết giúp ông này được phục chức.
Tuy nhiên, khi vụ này được Tòa án hiến pháp ra phán quyết như vậy thì Thủ tướng Yingluck sẽ phải lập tức từ chức cùng toàn bộ Nội các của bà.
Năm 2008, Tòa án hiến pháp Thái Lan từng ra phán quyết tương tự đối với cố Thủ tướng Samak Sundaravej.
Ông này đã ký hợp đồng ăn lương để thực hiện quảng cáo trên truyền hình khi còn tại vị và bị coi là vi phạm hiến pháp. Kết quả là ông Samak và toàn bộ Nội các cũng ông đã buộc phải từ chức.
Nếu bà Yingluck và toàn bộ Nội các của bà bị buộc phải từ chức, nó sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực, giúp Phong trào biểu tình chống chính phủ có thể thực hiện kế hoạch "dựng lên" một chính quyền không cần thông qua bầu cử.
Kịch bản này được phe biểu tình áp dụng theo một điều khoản (điều 7) của bản hiến pháp hiện nay.
Tuy nhiên, phe ủng hộ chính phủ lại cho rằng Hiến pháp Thái Lan hiện tại quy định rằng Thủ tướng phải là người được lựa chọn thông qua bầu cử và phải được Hạ viện phê chuẩn.
Trong trường hợp này, khi chưa có Hạ viện thì chính phủ sẽ được hình thành như thế nào? Những người ủng hộ chính phủ viện dẫn thêm một điều khoản khác (điều 181) cho rằng Nội các hiện nay sẽ phải được giữ nguyên cho tới khi thành lập xong chính phủ mới.
Ngoài ra, một phó thủ tướng trong Nội các cũng có thể đảm nhận vị trí Thủ tướng thay bà Yingluck nếu Tòa án hiến pháp ra phán quyết giống như của tòa án hành chính.
Những tranh cãi này khiến cho người ta nghĩ tới khả năng sẽ có những cuộc xung đột giữa hai bên ủng hộ và phản đối chính phủ, khiến Thái Lan sẽ rơi vào tình trạng lộn xộn.
Phong trào Áo đỏ ủng hộ chính phủ đã tuyên bố sẽ huy động nửa triệu người biểu tình ở Bangkok và các tỉnh lân cận nhằm bảo vệ hệ thống dân chủ.
Ông Suthep thì cho rằng màn kịch cuối cùng của cuộc xung đột chính trị sắp kết thúc trong những ngày tới.
Ông này đã hô hào những người ủng hộ kiên nhẫn chiến đấu tới cùng để loại bỏ hoàn toàn chính phủ hiện nay cũng như cái mà ông gọi là chế độ Thaksin.
Sự chuẩn bị lực lượng của hai bên sẽ dẫn tới khả năng xảy ra đối đầu và một khi bạo lực bùng phát khả năng quân đội can thiệp để khôi phục trật tự rất dễ xảy ra.
Quân đội Thái Lan cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai 58 đại đội trong trường hợp cần phải đối phó với những mối đe dọa về bạo lực trong những ngày tới.
Chỉ huy sư đoàn kỵ binh số 1 làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô, tướng Apirat Kongsompong, sẽ trực tiếp chỉ huy các binh sỹ nhằm đảm bảo hòa bình và trật tự./.