Thái Lan: Chính quyền có lợi thế khi đối lập chiếm trụ sở

Tổng thư ký NSC tuyên bố rằng việc người biểu tình tiếp tục chiếm giữ các trụ sở cơ quan chính quyền sẽ tạo lợi thế cho chính phủ.

Ngày 27/11, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan (NSC) Paradorn Patanatabut đã tuyên bố rằng việc những người biểu tình tiếp tục chiếm giữ các trụ sở cơ quan chính quyền theo lời kêu gọi của ông Suthep Thaugsuban sẽ tạo lợi thế cho chính phủ trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Ông Paradorn cho rằng chính quyền đã lùi bước trước các cuộc biểu tình phản được phát động ba tuần trước với lý do ban đầu là chống dự luật ân xá toàn diện. Những người chống chính quyền đã thực hiện các cuộc biểu tình trong khuôn khổ luật pháp cho phép đến đầu tuần này.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ sau khi ông Suthep đẩy mạnh cuộc biểu tình phản đối của mình, gồm các biện pháp bất tuân lệnh dân sự, chiếm đóng các trụ sở cơ quan chính quyền và buộc các công chức, viên chức nghỉ việc.

Theo ông này, chính quyền luôn thực hiện các biện pháp phòng ngự kể từ khi ông Suthep bắt đầu phát động các cuộc biểu tình vào ngày 4/11. Chính quyền mong muốn tránh đối đầu, nhưng việc chiếm các cơ quan công sở là hành động phạm pháp hình sự.

Những người biểu tình dưới sự lãnh đạo của ông Suthep đã rời khỏi Bộ Tài chính trong ngày 27/11 để tuần hành tới khu liên hợp các cơ quan nhà nước ở phía Bắc Bangkok. Dự kiến đoàn người biểu tình sẽ đóng trại qua đêm tại đây cho tới khi có những quyết định tiếp theo.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã ra chỉ thị cho tất cả các văn phòng cơ quan chính phủ chuẩn bị đối phó với những kế hoạch chiếm thêm các trụ sở cơ quan nhà nước của đoàn người biểu tình. Bà Yingluck đã vẫn khẳng định chính phủ sẽ giải quyết tình hình một cách hòa bình và thận trọng, trong khi vẫn phải bảo vệ các trụ sở để tránh thiệt hại về tài sản.

Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Pracha Promnok tuyên bố chưa cần phải sử dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô và những vùng phụ cận bởi cảnh sát vẫn có khả năng kiểm soát tình hình và duy trì trật tự.

Chính phủ sẽ không sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình cho dù họ đã bao vây thêm nhiều trụ sở cơ quan nhà nước. Cảnh sát sẽ tăng cường các biện pháp ngăn chặn khả năng xảy ra bạo lực giữa các nhóm biểu tình ủng hộ và phản đối chính phủ.

Tuy nhiên, ông Pracha khẳng định người biểu tình sẽ không được phép bao vây hoặc chiếm giữ các cơ quan đầu não, đặc biệt là tòa nhà chính phủ và khu vực quốc hội.

Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp một khi được áp dụng sẽ cho phép chính quyền thực hiện lệnh bắt giam mà không cần phải được sự chấp thuận của tòa án.

Việc ông Suthep đẩy mạnh các cuộc biểu tình hiện đang gây những tranh cãi trong nội bộ đảng Dân chủ, khiến tình hình trở nên khó xử.

Theo báo chí Thái Lan, một số lãnh đạo cấp cao của đảng này gồm chủ tịch Abhisit Vejjajiva và cố vấn Chuan Leekpai cùng một vài nghị sỹ Bangkok đều tỏ ý không đồng tình với việc chiếm giữ các cơ quan chính quyền bởi nó sẽ có tác động tiêu cực và thậm chí có thể dẫn tới giải tán đảng.

Những người này ủng hộ biện pháp biểu tình phản đối trong khuôn khổ luật pháp. Tuy nhiên, một số nghị sỹ miền Nam lại ủng hộ ông Suthep. Họ muốn làm tê liệt đất nước để ngăn chặn sự trở về của ông Thaksin.

Hiện tại, đảng Dân chủ vẫn chưa biết làm thế nào để giải thích cho mọi người hiểu rằng họ không lừa dối công chúng bởi nhóm phản đối chiếm giữ trụ sở cơ quan chính quyền muốn thể hiện lập trường này một cách công khai, nhưng điều này sẽ làm cô lập ông Suthep.

Cảnh sát Thái Lan cũng đã đề nghị Tòa án hình sự chấp thuận cho bắt giữ thêm sáu thủ lĩnh biểu tình khác vì tội chiếm giữ Bộ Ngoại giao. Trong số những người này có Anchalaee Paileelat và Samran Yodpet từng là những nhân vật theo phe áo vàng bị buộc tội khủng bố vì chiếm giữ sân bay Suvarnabhumi năm 2009./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục