Thái Lan lập nhóm bắt thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ

Chính phủ Thái Lan sẽ thành lập lực lượng chuyên trách gồm 12 thành viên để bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ
Binh sỹ Thái Lan gác gần tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok ngày 4/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Thái Lan sẽ thành lập lực lượng chuyên trách gồm 12 thành viên để bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ nằm trong loạt lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự nước này.

Những người này đều là thành viên của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC).

Ngày 6/2, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Chalerm Yoobamrung, kiêm chức Giám đốc Trung Tâm Duy trì hòa bình và trật tự (CMPO), còn cho biết trung tâm này đang xin lệnh bắt 39 thủ lĩnh khác thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) vì vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, khoảng 1.000 tình nguyện viên và cảnh sát sẽ được triển khai để giành lại trụ sở Bộ Nội vụ đang bị người biểu tình bủa vây trong 4 ngày qua.

Trước đó một ngày, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua đề nghị của cảnh sát ban bố lệnh bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban, với tội danh không tuân thủ lệnh tình trạng khẩn cấp. Tòa án đồng thời cho phép nhà chức trách bắt và tạm giam những thủ lĩnh biểu tình trên trong thời hạn tối đa là 7 ngày.

Chính phủ lâm thời do Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh đạo đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm duy trì trật tự ở thủ đô Bangkok và khu vực vùng ngoại ô hồi cuối tháng Một vừa qua, song tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn với các cuộc biểu tình triền miên của lực lượng chống chính phủ.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày 6/2, nhiều nông dân Thái Lan đã tiến hành biểu tình ở thủ đô Bangkok, thể hiện sự bất mãn đối với chính phủ đang gặp nhiều sóng gió của Thủ tướng tạm quyền Yingluck, liên quan tới kế hoạch mua thóc gạo. Khoảng 200 nông dân trồng lúa cùng với các xe tải và máy gặt đập liên hợp đã tập trung bên ngoài trụ sở Bộ Thương mại để phản đối việc họ chưa được thanh toán tiền bán lúa.

Kế hoạch gây tranh cãi nhằm thu mua gạo cao hơn giá thị trường cho nông dân đã khiến bà Yingluck bị chỉ trích nhiều vì nhiều người cho rằng kế hoạch này đã khuyến khích tham nhũng, bòn rút tiền công và đẩy đất nước vào tình trạng ứ đọng gạo không bán được./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục