Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok ngày 18/1, một người biểu tình thương nặng trong vụ đánh bom ngày hôm qua (17/1) đã qua đời.
Nạn nhân được xác định là người ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan. Ông này nằm trong số 37 người bị thương trong khi tham gia tuần hành trên đường cùng thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban.
Ông Suthep đã lên tiếng cáo buộc Chính phủ tạm quyền phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này và thề sẽ lại phát động người biểu tình tràn xuống đường. Theo ông Suthep những gì mà họ làm, ám chỉ chính phủ, là hành động của kẻ máu lạnh. Người biểu tình sẽ ghi nhớ nỗ đau này và họ sẽ được củng cố thêm tinh thần để chiến đấu tới thắng lợi.
Vụ nổ xảy ra vào lúc ông Suthep đang dẫn một đoàn người tuần hành trên phố và cách vị trí ông này đứng khoảng 50m. Đây là vụ tấn công trực diện đầu tiên vào thủ lĩnh biểu tình. Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã chia sẻ với người biểu tình về vụ việc xảy ra và bác bỏ cáo buộc việc chính phủ liên quan tới vụ việc này.
Cảnh sát Thái Lan đã đặt nhiều dấu hỏi về việc tại sao bảo vệ an ninh của nhóm biểu tình lại ngăn cảnh lực lượng cảnh sát và phóng viên vào hiện trường. Họ cũng đặt câu hỏi rằng tại sao ông Suthep lại quyết định thay đổi tuyến đường đi vào phút chót.
Lực lượng chức năng đã có mặt ngay sau khi vụ nổ xảy ra, nhưng người biểu tình đã cản trở họ làm việc và hô hào phản đối sự có mặt của cảnh sát, trong khi lại mở đường cho quân đội vào thị sát hiện trường. Đã xuất hiện nhiều đồn đoán trên mạng truyền thông xã hội rằng một số sĩ quan quân đội đã phối hợp với Phong trào biểu tình để tạo ra vụ tấn công này.
Trước đó, một nhóm biểu tình chống chính phủ khoảng hơn 100 người đã tấn công một xưởng in phiếu bầu cử. Người biểu tình đã tiến hành cắt điện, nước và yêu cầu các nhân viên đang làm việc phải về nhà nghỉ, buộc giám đốc nhà in phải tạm thời đóng cửa khu vực này.
Nhà in trên thuộc quyền quản lý của Ủy ban xúc tiến phúc lợi xã hội dành cho giáo viên và nó là nơi duy nhất được quyền in phiếu bầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới đây.
Người biểu tình luôn đặt mục tiêu hủy bỏ cuộc bầu cử sắp tới nhằm mở đường cho việc thành lập một Hội đồng nhân dân, bao gồm những thành viên do Phong trào biểu tình lựa chọn, để điều hành một chính phủ chuyển tiếp ở Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan đã bác bỏ yêu cầu này và khẳng định bầu cử là giải pháp duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay./.