Thái Lan nêu 4 vấn đề tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan kêu gọi xây dựng tương lai bao trùm, kiên cường, bền vững và đổi mới cho châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 31 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 31 (AMM 31) do Malaysia tổ chức và diễn ra dưới hình thức trực tuyến vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã kêu gọi xây dựng tương lai bao trùm, kiên cường, bền vững và đổi mới cho châu Á-Thái Bình Dương.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Thái Lan phát ngày 18/11 nói ông Don Pramudwinai cho rằng để đạt được điều đó cần hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSME), phụ nữ và thanh niên; đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng cho thời kỳ bình thường mới và nền kinh tế kỹ thuật số; thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm và quan hệ đối tác vì sự bền vững cũng như nêu bật sự hợp tác về vắcxin và thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại Hội nghị AMM 31 chuẩn bị cho Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 (AELM 27) sẽ diễn ra vào ngày 20/11, Thái Lan đã đề cập đến 4 vấn đề chính.

Thứ nhất, tương lai của châu Á-Thái Bình Dương bao gồm những đổi mới, khả năng phục hồi và khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi.

[APEC đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, phục hồi kinh tế bền vững]

Thứ hai, hỗ trợ cho một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và tính hiệu quả của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Thứ ba, tạo ra một tương lai bao trùm, kiên cường, bền vững và sẵn sàng cho kỷ nguyên số, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt đến các MSME, nhân viên dịch vụ, phụ nữ và thanh niên thông qua tài chính toàn diện cũng như phát triển kỹ năng và năng lực để đảm bảo một quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang thời kỳ bình thường mới hướng tới môi trường kinh doanh số hóa, nền kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (Mô hình BCG), được nhấn mạnh bởi hành vi kinh doanh có trách nhiệm.

Thứ tư, sự di chuyển của người dân và hàng hóa thiết yếu trong đại dịch COVID-19, trong khi kêu gọi APEC hợp tác để đảm bảo cung cấp vắcxin và thuốc COVID-19 kịp thời, dễ tiếp cận và giá cả hợp lý.

Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng APEC cũng tán thành Tuyên bố chung của Bộ trưởng APEC lần thứ 31 trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại và đầu tư, phục hồi kinh tế và hợp tác khu vực trong kỷ nguyên hậu COVID-19, chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số, cải cách cơ cấu và hợp tác hướng tới tăng trưởng bao trùm và bền vững./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục