Ngày 11/5, Phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã chuyển về cắm trại xung quanh tòa nhà chính phủ theo một kế hoạch mà họ gọi là "trận chiến cuối cùng" nhằm lật đổ chế độ Thaksin.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban trước đó đã kêu gọi Tòa án, Ủy ban bầu cử và Thượng viện cùng phối hợp lên kế hoạch thành lập một chính phủ mới bất chấp việc Thái Lan vẫn đang có một chính phủ tạm quyền do ông Niwatthamrong Boonsongpaisan đứng đầu.
Ông này thậm chí còn tự áp đặt thời hạn 72 tiếng đồng hồ cho những cơ quan trên phải thành lập chính phủ nếu không những người biểu tình sẽ tự thực hiện kế hoạch đó. Thượng viện đã nhanh chóng chọn được ra Chủ tịch mới để có thể đi vào hoạt động bởi hiện nay Thái Lan không có Hạ viện và tính hợp pháp của chính phủ còn bị gây tranh cãi.
Một nhóm người thuộc phe áo vàng trước đây đã bắt đầu kêu gọi quân đội can thiệp nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị, với lập luận rằng không phải lúc nào đảo chính cũng là xấu nếu nó có thể làm cho đất nước tiến lên.
Phía quân đội đã có phản ứng về chuyện này trong đó cho rằng đảo chính không thể giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo quân đội cũng đã công khai lên tiếng phản đối việc xúc tiến thành lập chính phủ mới của phe biểu tình.
Quân đội cho rằng giải pháp này là không thích hợp bởi nó sẽ làm phiền tới Nhà Vua bởi chỉ sau khi có sắc lệnh phê chuẩn của Nhà Vua thì chính phủ do phe biểu tình dự kiến thành lập mới có thể hoạt động được. Quân đội cũng đưa ra lập trường chung chung rằng các bên nên giải quyết xung đột thông qua các phương tiện luật pháp.
Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng quân đội không hề phản ứng trước việc các thủ lĩnh biểu tình xông vào tòa nhà chính phủ và lấy trụ sở làm việc của Nội các Thái Lan làm văn phòng hoạt động của họ. Theo những người biểu tình, đây được coi là sự thể hiện sức mạnh quyền lực của nhân dân trước chính phủ tạm quyền hiện nay.
Theo một số chuyên gia pháp luật, ý tưởng bổ nhiệm một thủ tướng mới và chính phủ mới của Phong trào biểu tình có thể sẽ gặp những rào cản trở ngại về pháp lý bởi hiện tại Nội các tạm quyền vẫn đang hoạt động chứ chưa xuất hiện bất kỳ khoảng trống quyền lực nào. Tính hợp pháp của việc bầu Chủ tịch Thượng viện để chuẩn bị cho kế hoạch chỉ định thủ tướng mới vẫn còn đang là gây tranh cãi và thậm chí chức Chủ tịch mới còn phải chờ Thủ tướng đệ trình lên Hoàng gia phê chuẩn.
Nếu phe biểu tình không công nhận Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong thì đương nhiên vị Chủ tịch Thượng viện mà họ ủng hộ cũng sẽ chưa được chính thức công nhận.
Ngoài ra Thủ tướng của Thái Lan phải là một nghị sỹ được bầu. Hiến pháp Thái Lan cũng quy định Chủ tịch Hạ viện là người đề nghị một sắc lệnh của Hoàng gia bổ nhiệm thủ tướng chứ không phải là Chủ tịch Thượng viện. Tiến trình chọn Thủ tướng cũng được thực hiện ở Hạ viện chứ không phải do tòa án và các cơ quan độc lập tiến hành.
Trường hợp phe biểu tình vẫn cố tình thực hiện kế hoạch của họ, nhiều khả năng Thái Lan sẽ xảy ra bạo loạn và xung đột chính trị sâu sắc./.