Thái Lan: Phong trào biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ

Ngày 12/5, những người ủng hộ Phong trào biểu tình chống chính phủ đã chuyển về bao vây tòa nhà chính phủ theo kế hoạch mà họ gọi là "trận chiến cuối cùng."
Lực lượng Áo đỏ ủng hộ chính phủ tuần hành tại Bangkok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/5, những người ủng hộ Phong trào biểu tình chống chính phủ đã chuyển về bao vây tòa nhà chính phủ theo một kế hoạch mà họ gọi là "trận chiến cuối cùng" nhằm lật đổ chính phủ hiện nay.

Các đường phố xung quanh tòa nhà chính phủ bắt đầu xuất hiện đông người đi lại khiến cho giao thông trở nên tắc nghẽn. Các thủ lĩnh biểu tình đã dựng sân khấu mới ngay giữa đường để kêu gọi những người ủng hộ xuống đường cùng họ.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã đề nghị Tòa án, Ủy ban bầu cử và Thượng viện phối hợp để lựa chọn và chỉ định một thủ tướng mới thay thế cho chính quyền hiện nay mà theo họ là không còn tính hợp pháp sau việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị Tòa án hiến pháp truất quyền.

Phong trào biểu tình cũng đã cử đại diện kêu gọi quân đội ủng hộ việc họ đề nghị Nhà Vua can thiệp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bằng việc chỉ định thủ tướng mới. Tuy nhiên, theo giới truyền thông Thái Lan, lời kêu gọi các bên nói trên cùng tham gia thực hiện đề xuất chỉ định thủ tướng mới của thủ lĩnh biểu tình là khó có thực hiện.

Hiến pháp Thái Lan không có điều khoản nào cho phép các tòa án cùng tham gia hành động theo đề nghị của ông Suthep. Đây là một vấn đề rất tế nhị và có thể khiến họ gặp rắc rối về mặt pháp lý nếu tỏ ra đồng tình. Hiện nay, Nội các tạm quyền vẫn đang hoạt động sau khi ông Niwatthamrong Boonsongpaisan được chọn làm Thủ tướng tạm thời.

Ủy ban bầu cử cũng đã công cố chương trình nhóm họp với chính phủ vào 14/5 tới để bàn về cuộc bầu cử mới. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa phần các thành viên Ủy ban bầu cử vẫn cho rằng ông Niwatthamrong có đủ thẩm quyền trình sắc lệnh ấn định ngày bầu cử mới lên Hoàng gia phê chuẩn.

Ủy ban bầu cử từng dự kiến tổ chức cuộc bầu cử mới vào ngày 20/7 tới, nhưng hiện nay nhiều người cho rằng nó có thể phải chuyển sang đầu tháng Tám năm nay.

Quân đội cũng đã có những phản ứng không đồng tình với việc chỉ định Thủ tướng và chính phủ mới. Họ cho rằng giải pháp này không thích hợp vì nó sẽ làm phiền tới Nhà Vua bởi chỉ sau khi có sắc lệnh phê chuẩn thì đề xuất của người biểu tình mới thành hiện thực.

Theo quân đội các bên nên giải quyết xung đột thông qua các phương tiện luật pháp.

Thượng viện Thái Lan trong ngày hôm nay đã tổ chức một phiên họp không chính thức nhằm góp phần giải quyết các vấn đề bế tắc hiện nay. Đương nhiên, quyền Chủ tịch Thượng viện Surachai Liangboonlertchai sẽ không thể thực hiện đề xuất của thủ lĩnh biểu tình một cách trực tiếp. Cuộc gặp này chính là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các bên trong Thượng viện liên quan tới đề xuất đó.

Đã xuất hiện những ý kiến cho rằng ông Surachai, Chủ tịch đảng Dân chủ Abisit Vejjajiva, Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong và Chủ tịch Ủy ban bầu cử Supachai Somcharoen nên cùng ngồi đàm phán với nhau để tìm ra một giải pháp chung.

Cảnh sát Thái Lan đang lên kế hoạch sử dụng đội lính dù đặc nhiệm của cảnh sát để phục bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình.

Dự kiến họ sẽ lên danh sách bắt giữ khoảng 18 người, trong đó đặc biệt là ông Suthep. Đề nghị bắt giữ của cảnh sát đang chờ tòa án phê chuẩn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục