Thái Lan thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch bệnh COVID-19

Thái Lan đã chuyển mục tiêu tiếp cận từ nhằm vào địa điểm sang xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao như các nhân viên y tế, người bị nghi nhiễm mới hoặc đang cách ly, người giao hàng, lao động di cư.
Nhân viên phun nước rửa tay sát khuẩn cho khách hàng phòng lây nhiễm COVID-19 trước khu chợ cuối tuần ở Bangkok, Thái Lan, ngày 9/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan sẽ sớm cho ra mắt một ứng dụng truy dấu tiếp xúc nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thường xuyên tổ chức xét nghiệm trong 6 nhóm nguy cơ trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt được áp dụng thời gian qua.

Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan Taweesilp Visanuyothin ngày 10/5 cho biết cách tiếp cận mới đã chuyển mục tiêu từ nhằm vào địa điểm sang xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao.

Xét nghiệm thường xuyên sẽ nhằm vào 6 nhóm gồm nhân viên y tế; những người bị nghi nhiễm mới hoặc đang trong tình trạng cách ly; những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng; những người giao hàng; lao động di cư; và những người làm việc trong các quán rượu hoặc những địa điểm giải trí.

Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5 nhưng Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng Năm.

Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc COVID-19 mới không tăng.

Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động tụ tập và vi phạm lệnh giới nghiêm ban đêm trong thời gian gần đây buộc giới chức phải xem xét biện pháp tăng cường tuần tra và xử lý những trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, tình trạng người dân ồ ạt rời khỏi hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket, một điểm nóng COVID-19 ở miền Nam Thái Lan, cũng làm dấy lên những lo ngại về sự gia tăng trở lại các ca lây nhiễm sau khi có thêm 4 ca nhiễm mới được phát hiện ở tỉnh này.

Với 224 ca COVID-19 tính đến ngày 10/5, Phuket là địa phương có số ca nhiễm nhiều thứ hai ở Thái Lan, sau thủ đô Bangkok.

[Nhiều nước Đông Nam Á vẫn ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới tăng cao]

Đại dịch COVID-19 đã buộc tất cả các ngành kinh doanh liên quan đến du lịch ở Phuket phải đóng cửa, khiến nhiều lao động không có việc làm và khoảng 10.000-20.000 người đã rời khỏi hòn đảo này kể từ khi bắt đầu nới lỏng hôm 3/5.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Suwannachai Wattanayingcharoenchai đã gửi thư khẩn tới tất cả các tỉnh trưởng ở Thái Lan đề nghị để ý tới những người trở về từ Phuket và áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thích hợp.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này hồi tháng Một, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.015 ca nhiễm và 56 ca tử vong.

Tại Indonesia, nhiều chợ truyền thống, một phần không thể thiếu trong xã hội nước này, đang thay đổi cách thức hoạt động để duy trì dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh.

Một khu chợ truyền thống trên đảo Java đã chuyển ra ngoài trời và các sạp hàng được dựng cách nhau ít nhất 1m để duy trì hoạt động một cách an toàn.

Quản lý chợ Salatiga nằm tại khu vực trung tâm tỉnh Java cho biết 857 người bán hàng rong tại đây cũng như các du khách được yêu cầu đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Các khu vực khác cũng nỗ lực tìm nhiều cách thức để duy trì hoạt động của các khu chợ truyền thống. Ở Depok, một thành phố gần thủ đô Jakarta, một số sạp hàng được dựng trong các khu dân cư để giúp những người sống gần đó có thể mua được nhu yếu phẩm mà không cần phải đi xa.

Người mua hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang, ngồi cách xa nhau khi đợi đến lượt vào cửa hàng và rửa tay sau khi mua sắm.

Tính tới ngày 10/5, Indonesia đã ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm. Nhà chức trách dự kiến số ca nhiễm mới sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng Năm và giảm dần vào tháng tiếp theo, nếu như quốc gia này ngăn chặn thành công đợt nhiễm bệnh thứ 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục