Thái Lan: Vẫn tồn tại bế tắc chính trị sau tổng tuyển cử

Phong trào biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã quyết định đóng cửa một số điểm biểu tình.
Cử tri bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Bangkok ngày 2/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/2, một ngày sau cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan, phong trào biểu tình chống chính phủ đã quyết định đóng cửa một số điểm biểu tình để tập trung lực lượng vào những điểm chính.

Các thủ lĩnh biểu tình giải thích rằng hành động này là nhằm đảm bảo sự an toàn cho những người tham gia biểu tình sau nhiều vụ bạo lực gần đây.

Theo con số thống kê sơ bộ, kể từ khi bắt đầu chiến dịch đóng cửa Bangkok ngày 13/1, mỗi ngày phong trào biểu tình đã phải chi 10 triệu baht cho tất cả các điểm biểu tình. Quyết định đóng cửa một số điểm có thể góp phần tiết kiệm chi phí nhằm thực hiện các kế hoạch lâu dài.

Ủy ban bầu cử Thái Lan tuyên bố cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 đã được tổ chức ở hầu hết các khu vực bầu cử trên toàn quốc, với tỷ lệ cử tri đi bầu vào khoảng gần 46%. Ủy ban này phải tuyển bố đóng cửa 10.283 phòng phiếu trong 69 khu vực bầu cử.

Các cuộc bỏ phiếu lại sẽ được tổ chức cho khoảng 8,75 triệu người chưa thực hiện được quyền công dân mà thôi.

Ủy ban bầu cử cũng khẳng định chưa thể công bố được kết quả bầu cử bởi vẫn còn nhiều khu vực chưa thể tổ chức bỏ phiếu. Họ cũng nói rằng tiến trình bầu cử đã được tổ chức một cách minh bạch và các quan chức bầu cử đã làm hết sức có thể.

Hiện tại, những khu vực chưa thể tổ chức đăng ký ứng cử viên và chưa thể tổ chức bỏ phiếu sẽ được Ủy ban bầu cử lên kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, phía chính phủ Thái Lan đã hối thúc ủy ban này tổ chức các cuộc bỏ phiếu mới ở những khu vực bầu cử bị đóng cửa trong vòng bảy ngày tới để cử tri có thể thực hiện quyền lợi của họ.

Nhiều cử tri Thái Lan chưa bỏ phiếu đang được khuyến khích làm đơn kiện thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và Ủy ban bầu cử quốc gia bởi các đảng tham gia tranh cử, đặc biệt là đảng Vì Thái Lan, cho rằng những người này đã cấu kết với nhau hòng làm vô hiệu cuộc bầu cử.

Bà Siaporn Konnat, một cử tri Thái Lan, cho biết: "Tôi đang làm đơn kiện các quan chức bầu cử địa phương vì đã nói dối người dân. Dường như họ đã cấu kết với những người biểu tình để lừa chúng tôi, ngăn cản chúng tôi không được vào bầu cử. Tôi đã tới đây từ sáng với mong muốn bỏ phiếu, nhưng các quan chức bầu cử đã huy động cảnh sát ngăn đường với lý do bảo đảm an toàn. Tiền tổ chức bầu cử cũng là tiền thuế của dân, tôi là một người đóng thuế nên tôi phải được thực hiện quyền bầu cử của mình. Tại sao họ lại lừa dối chúng tôi?"

Bà Kamonwan Hasaree, cử tri quận Dindaeng, nói: "Chúng tôi chỉ cần được thực hiện quyền công dân của mình, đó là bầu cử. Tại sao họ lại phối hợp với nhau để cản trở cử tri đi bỏ phiếu. Có lẽ nền dân chủ ở đất nước này đã đi quá giới hạn."

Phong trào chống chính phủ đã tuyên bố rằng họ sẽ vẫn tiếp tục tập hợp lực lượng biểu tình nhằm đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra và toàn bộ nội các của bà phải từ chức.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập thì nói rằng họ sẽ gửi đơn kiện đề nghị Tòa án hiến pháp không công nhận kết quả bầu cử.

Đảng Dân chủ cho rằng cuộc bầu cử lần này vi phạm luật bầu cử và Hiến pháp và họ đang tập hợp các bằng chứng để làm đơn kiện.

Đảng Dân chủ còn kêu gọi Thủ tướng Yingluck bãi bỏ luật tình trạng khẩn cấp để khôi phục lòng tin của nhà đầu tư cũng như khách du lịch.

Theo cách giải thích của đảng này, cuộc bầu cử đã được tổ chức xong và nó đã chứng minh rằng các cuộc biểu tình phản đối không tạo nên bạo lực, do vậy, luật tình trạng khẩn cấp là không cần thiết.

Thực tế, nếu luật tình trạng khẩn cấp không được áp dụng tại thủ đô Bangkok, thì chưa biết toàn bộ 50 khu vực bầu cử ở đây có thể tổ chức bỏ phiếu được hay không?

Chính phủ Thái Lan cho rằng sẽ vẫn cần phải tổ chức thêm các cuộc bầu cử ở những điểm bị cản trở và phong tỏa. Những cuộc bầu cử này sẽ phải được tổ chức trong vòng 180 ngày theo luật pháp.

Trong trường hợp kết quả bầu cử bị tuyên bố vô hiệu, sẽ lại phải tổ chức bầu cử lại cho tới mọi chuyện được ngã ngũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục